(HNM) - Từ năm 2005 đến nay, Quỹ Trái tim nhân ái (TTNA) Báo Hànộimới đã huy động được gần 30 tỷ đồng. Quỹ đã tiến hành hàng loạt hoạt động xã hội từ thiện, trợ giúp, giúp đỡ
Đoàn viên thanh niên Báo Hànộimới thăm hỏi, tặng quà bệnh nhi tại Viện Bỏng quốc gia. Ảnh: Linh Tâm |
Nhân đạo, từ thiện là hoạt động được Báo Hànộimới hết sức quan tâm, coi trọng và tham gia tích cực. Với sự ra đời của Quỹ TTNA, hoạt động xã hội từ thiện của Báo Hànộimới đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Không chỉ là cầu nối những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo, Quỹ TTNA còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ những đối tượng kém may mắn.
Quỹ TTNA đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người dân.
Nhắc đến hoạt động xã hội từ thiện của Quỹ TTNA, không thể không kể đến hoạt động cứu trợ đột xuất. Có thể nói, đây là một trong những hoạt động, những người làm báo Đảng Thủ đô luôn đặt lên hàng đầu. Mỗi khi thiên tai xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản, bão lũ, giá rét chưa qua, Ban Biên tập Báo Hànộimới đã chỉ đạo cán bộ, phóng viên Quỹ TTNA phải nhanh chóng huy động mọi nguồn lực cho công tác cứu trợ. Thần tốc nhất có lẽ là chuyến công tác của hành trình "Trái tim nhân ái" đến với bà con vùng bão lũ vào năm 2009. Ngay sau khi cơn bão số 9 vừa đổ vào miền Trung và Tây Nguyên, khi đường còn chưa kịp thông, chuyến cứu trợ đầu tiên của Quỹ TTNA mang theo số tiền 1 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ủng hộ, đã có mặt ở cả 4 tỉnh bị thiệt hại nặng gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đoàn công tác đầu tiên về đến Hà Nội, đoàn thứ hai đã lại lên đường mang theo 550 triệu đồng để xây lại trường học, sửa chữa lại nhà ở cho bà con vùng bão lũ... Sự nhanh chóng, kịp thời trong hoạt động cứu trợ của Quỹ TTNA khiến nhiều người không giấu được sửng sốt, bất ngờ. Lúc đó, ông Vũ Đình Hòe, Chủ tịch UBND huyện ĐăKrông, tỉnh Quảng Trị đã phải thốt lên: "Mới hôm trước, tôi được thông báo có đoàn cứu trợ của Báo Hànộimới đến. Đường sá lầy lội, khó đi, cứ nghĩ, phải 2-3 hôm nữa các anh mới vào được trong này, nào ngờ hôm nay các anh đã có mặt ở đây!".
Những món quà nghĩa tình của Quỹ TTNA không chỉ giới hạn trong nước mà còn đến với cả bạn bè quốc tế. Năm 2011, đất nước Nhật Bản gánh chịu thảm họa kép động đất và sóng thần. Với truyền thống "thương người như thể thương thân", những người làm báo Đảng Thủ đô lại ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Một cuộc vận động mới nhanh chóng được hình thành và số tiền 1,2 tỷ đồng tiếp nhận được từ doanh nghiệp, bạn đọc, Quỹ TTNA đã đến và trao tận tay cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Món quà không thật lớn nhưng thể hiện được tấm lòng của nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản. Ông Koichi Aiboshi, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã xúc động bày tỏ sự chân thành, cảm ơn trước những chia sẻ chân tình, ấm áp mà Quỹ TTNA mang tới: "Qua thiên tai, hoạn nạn, chúng tôi càng hiểu hơn rằng nhân dân Việt Nam rất quan tâm đến Nhật Bản".
Ngoài những hoạt động cứu trợ đột xuất, Quỹ TTNA còn có những chương trình thường niên như: Trao quà cho các gia đình nghèo đăng trên chuyên mục Nhịp cầu TTNA; tặng học bổng cho sinh viên khuyết tật vượt khó học giỏi; tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo vào các dịp lễ, tết; thực hiện dự án xóa đói giảm nghèo... Nổi bật nhất trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" là hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, liệt sĩ có khó khăn về nhà ở. Có thể kể ra như hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tại huyện Mê Linh, Hà Nội cho gia đình các ông Lê Văn Minh, thương binh hạng 3/4, thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng; ông Nguyễn Thế Ngọc, bệnh binh 2/3, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh; ông Hà Văn Khai, thương binh hạng 3/4, thôn Tiên Đài, xã Vạn Yên…, hay giúp đỡ một số gia đình cựu chiến binh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hưng Yên xây dựng và sửa chữa nhà ở; tặng quà Đồn biên phòng A Múc Sung, Đồn biên phòng 263 (tỉnh Lào Cai).
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quỹ TTNA, nhiều gia đình nghèo đã vươn lên thoát nghèo, nhiều sinh viên khuyết tật sau khi ra trường đã trở thành giáo viên, kỹ sư, chủ cơ sở sản xuất... Có những em nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình lại quá khó khăn, sự sống mong manh như ngọn đèn dầu trước gió đã được cứu sống như trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh của cháu Nghiêm Thị Hương Giang (thôn Chẩn Kỳ, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cháu Mẫn Xuân Quân (thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)... Nhiều em đã không phải bỏ học giữa chừng mà tiếp tục được tới trường như trường hợp của hai anh em Vũ Đăng Hùng, Vũ Hải Yến, mồ côi cả bố lẫn mẹ ở 138 ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. 8 năm liền những đoàn viên là phóng viên của báo đã thông qua Quỹ nhận đỡ đầu 2 em. Hiện 2 em đã khôn lớn, học hết phổ thông. Những phóng viên của báo còn đồng hành cùng Quỹ TTNA khởi xướng nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó có việc đỡ đầu các em mồ côi hiện đang được nuôi dưỡng ở chùa Xuân Vi, Thạch Thất. Nhận được sự hỗ trợ của Quỹ TTNA, nhiều gia đình không chỉ gọi điện mà còn viết thư cảm ơn. Xúc động nhất là bức thư của chị Trần Thị Mến, ở Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội gửi. Trong thư có đoạn: "Các bác sĩ bảo, nếu không được mổ kịp thời, cháu Kiên nhà tôi chỉ sống được vài tháng nữa là chết vì tim đã giãn hết cỡ... Bố mẹ chồng nghèo, một thân một mình tôi kiếm tiền không đủ nuôi chồng, nuôi con. Thật may mắn cho tôi khi các bác ở Báo Hànộimới về xã, tìm hiểu hoàn cảnh và viết bài về gia đình chúng tôi... Nhờ có các bác, cháu Kiên đã được làm người".
Các hoạt động vì cộng đồng được Báo Hànộimới duy trì thường xuyên nên ngày càng phát triển và lan tỏa rộng khắp. Quỹ TTNA đã trở thành nhịp cầu nhân ái kết nối những tấm lòng giàu tình thương và là chỗ dựa đối với những số phận thiệt thòi, mang đến cho họ niềm tin, yêu và phấn đấu vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.