Giao thông

“Nhịp cầu nối những bờ vui”

Nhóm phóng viên 10/02/2024 - 07:24

Từ chỗ chỉ có duy nhất cầu Long Biên do người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX, đến nay, sau 70 năm kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Hà Nội đã có thêm 7 cây cầu vượt sông Hồng, gồm cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (2 giai đoạn), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang.

Và trong tương lai, ngoài 8 cây cầu hiện có, Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm 9 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng. Những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội không chỉ “nối những bờ vui” mà còn là biểu tượng về sự phát triển đi lên của Thủ đô và đất nước.

638393857128224579-6.jpg
Cầu Thanh Trì nối quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, có tổng chiều dài toàn bộ là 12.832m, trong đó cầu chính dài 3.084m, rộng 33,1m với 6 làn xe. Cầu được khởi công xây dựng năm 2002, khánh thành ngày 9-10-2007. Cầu Thanh Trì là công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh phía Bắc.
long-bien.jpg
Cầu Long Biên là cầu đường sắt và đường bộ bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Cầu được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902, là cây cầu thép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương. Cầu Long Biên dài 1.680m, rộng 10,4m, có 19 nhịp dầm thép, từng được ví như “tháp Eiffel nằm ngang”. Trải qua hơn 100 năm, cầu Long Biên trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, là chứng nhân lịch sử trong hai cuộc kháng chiến anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.
638393857107786483-2-2-.jpg
Cầu Chương Dương nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên, được khánh thành vào ngày 30-6-1985. Đây là cây cầu thép đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế và thi công. Cầu có tổng chiều dài 1.230m với 21 nhịp cầu; trong đó có 11 nhịp thép và 10 nhịp bê tông. Khởi công ngày 10-10-1983, cầu Chương Dương mang tên một địa danh lịch sử trên sông Hồng, nơi đã vang lừng chiến thắng đánh bại quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII.
vinhtuy.jpg
Cầu Vĩnh Tuy nối quận Hai Bà Trưng với quận Long Biên. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 có chiều dài 5.830m, được khởi công tháng 2-2005 và khánh thành vào tháng 12-2010. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài 3.473m, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, được khởi công xây dựng ngày 9-1-2021, khánh thành ngày 31-8-2023. Đây là cây cầu đầu tiên do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; hoàn thành vượt tiến độ và giảm thời gian khoảng 1,5 năm so với xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng hiện nay.
638393857121827923-4.jpg
Cầu Nhật Tân nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh được khánh thành vào đầu năm 2015. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội trong thời đại mới và là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Cầu có tổng chiều dài 8.930m với bề rộng mặt cầu 33,2m (6 làn xe chính và 2 làn dừng khẩn cấp); riêng cầu chính là cầu dây văng liên tục với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô Hà Nội. Cầu Nhật Tân đã góp phần giảm tải cho cầu Thăng Long, đồng thời tạo điều kiện kết nối giao thông thuận lợi giữa trung tâm Hà Nội và sân bay Nội Bài, rút ngắn quãng đường từ trung tâm Hà Nội tới huyện Đông Anh.
638403341092826991-3.jpg
Cầu Thăng Long nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm, được khánh thành ngày 9-5-1985, là cây cầu thép lớn nhất Việt Nam và là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô. Cầu Thăng Long có hai tầng: Tầng dưới, ở giữa là hai tuyến đường sắt, hai bên là đường xe thô sơ rộng 3,5m; tầng trên là đường ô tô rộng 15m, bốn làn xe; hai bên là đường cho người đi bộ rộng 1,5m. Đây là cây cầu dài nhất Việt Nam tính ở thời điểm khánh thành.
van-lang.jpg
Cầu Văn Lang trên tuyến quốc lộ 32 nối huyện Ba Vì (Hà Nội) với thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) có tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km, trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng khoảng 1,55km. Cầu được khởi công tháng 8-2016, khánh thành ngày 10-10-2018.
638393857133529123-7.jpg
Cầu Vĩnh Thịnh nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), được khởi công năm 2011 và khánh thành ngày 8-6-2014. Cầu có tổng chiều dài 5.487m, trong đó, phần cầu chính dài 4.480m và các phần cầu dẫn dài 1.007m với 4 làn xe. Cầu được xây dựng từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
638393857137273507-8.jpg
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài 8 cây cầu hiện tại, Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm 9 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (đường Vành đai 4), Thăng Long mới (đường Vành đai 3), Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên (đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5), Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Trong số đó, cầu Trần Hưng Đạo đang được Thành phố chuẩn bị đầu tư xây dựng có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,5km, đi qua địa phận các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Phần cầu chính có độ dài 900m, chia làm 6 nhịp. Ngoài 6 làn xe cơ giới, cầu còn có 2 làn dành cho xe đạp, vỉa hè cho người đi bộ và đài vọng cảnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhịp cầu nối những bờ vui”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.