(HNM) - Đánh giá dự báo tác động của pháp luật (RIA) là công cụ kết hợp cả phương pháp định tính và định lượng nhằm đánh giá và dự báo tác động các chính sách của Chính phủ trước khi đưa vào thực thi.
Hiện tại, RIA được sử dụng khá phổ biến ở các nước phát triển, đặc biệt là các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Các nước đang phát triển cũng áp dụng RIA ngày càng nhiều vào quá trình hoạch định và ban hành chính sách. Công cụ này cũng đã được giới thiệu và áp dụng tại một số cơ quan Trung ương của Việt Nam nhưng nhìn chung chưa được ứng dụng rộng rãi, chưa trở thành một bước trong quá trình hoạch định và ban hành chính sách. Điều đó dẫn tới một số chính sách mới được đề xuất đã không nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Để đạt được chất lượng cao khi ban hành chính sách, kinh nghiệm của các nước OECD là: RIA cần phải được luật hóa, trở thành một giai đoạn quan trọng trong quá trình hoạch định và ban hành chính sách. Bất kỳ một chính sách nào trước khi ban hành sẽ đều phải tiến hành xây dựng báo cáo RIA.
Hiện tại, Việt Nam chưa xác định được trọng tâm ưu tiên áp dụng RIA, song cơ quan chức năng đã bắt đầu coi đây là việc quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi hội nhập quốc tế. Liên tiếp những năm gần đây, các lớp tập huấn về RIA (do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương-CIEM phối hợp với Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID/VNCI tổ chức) dành cho các nhà hoạch định chính sách và những người áp dụng RIA trong thực tế đã diễn ra. Lớp tập huấn giúp các học viên làm quen với các giai đoạn của một báo cáo RIA và trách nhiệm của bản thân với công cụ này. Tuy nhiên, chưa phải cơ quan nào cũng nhìn nhận một cách đúng mức về RIA nên không coi trọng việc cử cán bộ đi tập huấn. Không ít cán bộ đăng ký rồi lại bỏ nên các buổi tập huấn không đạt hiệu quả như mong muốn.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, một số đề xuất chính sách như tăng giá điện, thu phí đối với xe mang biển số ngoại tỉnh vào Hà Nội, quy định vòng ngực, cân nặng đối với người tham gia giao thông đã gặp nhiều ý kiến phản đối. Trong khi đó, theo các chuyên gia, các nước đang phát triển là một môi trường rất tiềm năng cho việc áp dụng RIA nhằm giải quyết các vấn đề chính sách nổi cộm. Đã đến lúc, các cơ quan, đơn vị cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, để nâng cao khả năng ứng dụng RIA vào quá trình hoạch định chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.