Vì nhiệm vụ ứng cứu nhân dân trong bão lũ, vì sự bình yên của Tổ quốc mà vừa qua ở vùng lũ dữ miền Trung đã có 33 cán bộ, chiến sĩ quân đội hy sinh. Có đồng chí là cán bộ cấp tướng, có những chiến sĩ mới ở tuổi đôi mươi...
Tất cả đều không quản ngại nguy hiểm, gian lao, sẵn sàng vào nơi khó khăn, hiểm nguy nhất với tinh thần vì nhân dân phục vụ. Họ ngã xuống không chỉ là mất mát rất lớn đối với quân đội, gia đình, người thân, mà nhân dân cả nước đều xót xa, trân trọng trước sự hy sinh ấy! Vậy mà...
1. Cả nước dõi theo từng dòng tin tức, nhưng phép màu đã không đến với 13 cán bộ đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và 22 cán bộ, chiến sĩ ở Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 337 (Quân khu 4). Đó là những ngày “người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Vậy mà mấy ngày qua vẫn có những tiếng nói lạc lõng, thiếu thiện chí: “Có cần thiết phải để những vị tướng vào vùng lũ để rồi tử nạn không?... “Suất” đó dành cho chiến sĩ trẻ, khỏe thì tốt hơn”...
Trên Facebook của một người tên là “Thinh Nguyen” đã rất xấc xược, vô cảm khi nói về sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ. Cũng như mọi lần khác, chỉ chờ những sự cố như thế, một số kẻ lại “tiền hô hậu ủng” bằng những lời lẽ rất khó nghe. Những lời lẽ ấy dường như đã nằm trong thuyết âm mưu của những kẻ luôn hằn học với đất nước, quân đội, luôn “đâm bị thóc, chọc bị gạo”.
Như một nhà báo kỳ cựu đã nhận định: “Họ muốn xóa nhòa những điều cao đẹp thành câu chuyện đen tối, để đổ lỗi cho thể chế...”. Trong câu chuyện lần này, có kẻ dựng hẳn lên một thuyết âm mưu phải nói là “rất bẩn” rằng, sở dĩ có vị tướng tiên phong đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 là do vị tướng ấy có cổ phần ở công ty thủy điện này(!). Một sự bịa đặt tráo trở. Trong số những kẻ vừa lên tiếng xấc xược trên mạng xã hội đó, dư luận không lạ gì họ vì cách đây chưa lâu, chính những người này từng hằn học với giọng điệu “lương bộ đội vì sao cao thế?”. Nhưng, khi làm nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, lực lượng quân đội hy sinh mất mát thì họ lại lờ đi chuyện "lương cao".
Thảm họa thiên tai là bất khả kháng. Ấy vậy mà một số "anh hùng bàn phím" lại lên giọng đổ lỗi cho thế này thế nọ... để cuối cùng quay vào chỉ trích chế độ. Chúng cố tình đi ngược dòng dư luận nhằm mục đích "câu view", "câu like" và phá hoại đất nước ta. Xin dẫn lại lời một đồng nghiệp của chúng tôi: “Với thảm họa mưa lũ, chúng ta không thể nói trước được điều gì vì ra giữa mưa lũ là như ra chiến trường. Vì vậy, đừng ai nằm trong chăn ấm, đệm êm để đặt giả thiết này nọ với người ra trận".
2. Nhiều năm trực tiếp đi tìm hiểu, đưa tin, thâm nhập cơ sở về nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ nên chúng tôi không bất ngờ với thực tế cứ đến mùa tuyển quân thì lại có tình trạng một bộ phận thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Có những gia đình giấu nơi con đang làm việc; có thanh niên trốn đi làm ăn xa không tin tức hay dùng những chiêu trò để không đủ tiêu chuẩn sức khỏe... Vì sao họ trốn nghĩa vụ quân sự? Không khó để trả lời: Họ ngại khó khăn, gian khổ. Họ đùn đẩy khó khăn cho người khác. Họ muốn ở nhà để làm kinh tế hoặc chỉ để hưởng thụ, rong chơi... Thử hỏi, những “anh hùng bàn phím” kia có sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự ở những nơi gian khổ, hy sinh hay lại tìm cách "lỉnh"?
Cũng nhiều năm theo dõi công tác tuyển sinh đại học, chúng tôi thấy rằng, dù các trường quân đội đã tìm nhiều cách để thu hút thí sinh nhưng số người đăng ký thi vào những trường này có xu hướng ngày càng giảm, đặc biệt là rất ít con em những gia đình khá giả thi vào các trường quân đội bởi sợ rèn luyện vất vả, thường xuyên xa nhà và thu nhập không cao. Hãy thử hình dung, khi có những tình huống khẩn cấp, lúc nguy nan, thậm chí biết có thể hy sinh cả tính mạng như trường hợp các cán bộ, chiến sĩ đi cứu dân ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua thì các "anh hùng bàn phím" sẽ phản ứng ra sao?
Ngay thời điểm này, khi bão lũ đang gây những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung, hàng chục nghìn nhà dân chìm trong nước lũ, hàng vạn người thiếu lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm, tính mạng bị đe dọa, càng thấy rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội có mặt ở khắp nơi, mọi địa điểm, khu vực gian nguy nhất để cứu giúp nhân dân, bất kể đêm hôm di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, cứu trợ bà con qua cơn đói rét, rồi lại nỗ lực giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai để nhân dân sớm ổn định cuộc sống... Trong khi không ít gia đình cán bộ, chiến sĩ cũng đang chịu cảnh ngập lụt, thiệt hại mà họ vẫn ở lại đơn vị ứng trực 24/24h, sẵn sàng đi ứng cứu nhân dân và dầm mình nơi lũ dữ dù biết là nguy hiểm.
3. Từng có ý kiến rằng: “Quân đội làm gì mà lương cao thế?", “Thời bình cần gì nhiều bộ đội thế?”. Thậm chí câu chuyện lương của bộ đội thỉnh thoảng lại bị đem ra tỵ nạnh, so sánh. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia, các nhà làm chính sách và thực tế đã chứng minh: Lương của bộ đội không cao. Quân đội là lực lượng lao động đặc biệt, rất căng thẳng về thể lực và trí lực. Họ không có khái niệm làm việc 8 giờ hành chính mà cao hơn thế rất nhiều. Họ làm việc, trực sẵn sàng chiến đấu cả ngày lẫn đêm (24/24h), luôn trong trạng thái tâm lý căng thẳng, có lệnh là lập tức lên đường, làm những nhiệm vụ có thể phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình.
Lao động của quân đội là lao động xương máu. Đó là chưa kể, những ngày nghỉ lễ, tết và thứ bảy, chủ nhật, chỉ rất ít quân nhân được về nhà và nếu có được nghỉ phép, về tranh thủ thì cũng phải lập tức quay lại đơn vị khi có lệnh, ví dụ như khi đơn vị triệu tập đi cứu nhân dân lúc thiên tai, hoạn nạn. Mấy ai là bộ đội mà có thể giúp đỡ vợ con việc nhà và tranh thủ làm thêm? Mấy ai hiểu những thiệt thòi, hy sinh về tình cảm của các gia đình bộ đội?...
Trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Bộ Nội vụ cho biết: Lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là ngành lao động đặc biệt, yêu cầu phải thường xuyên tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ khi xảy ra thảm họa, thiên tai, đóng quân trên các địa bàn khó khăn, phần lớn xa gia đình, sống và sinh hoạt tập thể trong doanh trại, tiếp xúc với môi trường độc hại, vũ khí, khí tài quân sự, đối diện hiểm nguy.
Ngoài ra, lực lượng vũ trang phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên”; trong những trường hợp cần thiết, mệnh lệnh cấp trên chính là mệnh lệnh của quốc gia - dân tộc, mọi quân nhân, công an nhân dân có nghĩa vụ thực thi với trách nhiệm cao nhất không kể ngày đêm, kể cả nguy hiểm đến tính mạng... Theo đó, bảng lương hiện hành của lực lượng vũ trang ở nước ta được thiết kế riêng và cao hơn công chức là phù hợp với đặc điểm lao động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, và cũng phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới.
Những người cho rằng bộ đội lương cao chắc chắn chưa hiểu về đời sống và công việc của bộ đội. Còn nhớ, nhiều năm trước, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên (nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX) đã bất đắc dĩ phải lên tiếng khi một số đại biểu Quốc hội trong lúc thảo luận thông qua Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lại thắc mắc rằng: “Thời bình rồi, làm gì mà sĩ quan quân đội hưởng lương cao thế...”. Chính vị tướng ấy đã chỉ ra rằng: Dù đang ngồi họp đây, nếu có chiến sự xảy ra, chúng tôi sẽ là người rời nghị trường ra ngay mặt trận, và có thể ngày mai sẽ hy sinh trên chiến trường. Vậy có ai muốn hưởng mức lương cao để làm nhiệm vụ như thế không?...
Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhiều lần phân tích tính chất lao động đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Tại buổi tọa đàm “Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy” tổ chức tháng 5-2018, đồng chí đã nhấn mạnh rằng, càng trong những tình huống gian khổ, khẩn cấp, hiểm nghèo, càng thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của quân đội.
Những ngày này, cả nước hướng về miền Trung đang oằn mình trong lũ dữ. Cũng lúc này, hàng triệu người ngậm ngùi, khóc thương sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân mà mãi mãi không về. Đất nước, dân tộc, quân đội, nhân dân không bao giờ quên sự hy sinh, mất mát to lớn ấy. Những kẻ chỉ rình cơ hội để tìm mọi cách "bôi đen" một cách hèn hạ, bất chấp phẩm giá, lương tri, bất chấp cả lý và tình thì rõ ràng là đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" rất nặng, pháp luật cần thẳng tay nghiêm trị. Bên cạnh đó, mọi người cần suy nghĩ thật chín chắn, nhìn nhận đúng bản chất vấn đề để không a dua, hùa theo những luận điệu xuyên tạc, sai trái, làm mất uy tín của chính mình và gây tổn hại danh dự của những cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân nói riêng, Bộ đội Cụ Hồ nói chung - những người mà cả gia đình đã phải chịu nhiều thiệt thòi để đất nước bình yên, nhân dân hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.