Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại và suy ngẫm (tiếp theo)

Năng Lực| 25/03/2013 06:35

Ngày 27-2-1950, Tổng thống Mỹ Truman chính thức công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên ở miền Nam, mở đầu quá trình can thiệp vào Việt Nam...

Ngày 27-2-1950, Tổng thống Mỹ Truman chính thức công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng lên ở miền Nam, mở đầu quá trình can thiệp vào Việt Nam. Ngày 16-3-1950, Mỹ cho hai tàu chiến Anderson và Stickell ngược sông Lòng Tàu, cập cảng Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc thao diễn thủy quân, không quân.

Theo kế hoạch, 71 máy bay chiến đấu Mỹ sẽ bay dọc bờ biển từ Đà Nẵng vào, lượn thấp trên bầu trời Sài Gòn để diễu võ giương oai. Thế nhưng, tối 18-3, Trung đoàn 300 của quân đội ta nã 20 phát đạn cối 82 vào hai con tàu. Ngày 19-3, hàng vạn người dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình chống Mỹ can thiệp. Đô đốc Arligh A.Burke, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ phải ra lệnh hủy bỏ cuộc thao diễn, rút hai tàu Anderson và Stickell khỏi Sài Gòn. Ngày 19-3 trở thành Ngày Toàn quốc chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

16h ngày 29-3-1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ làm lễ cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam.


Năm 1955, Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Cùng năm ấy, Mỹ đưa Phái đoàn Cố vấn quân sự (Military Assistance Advisory Group - MAAG) do Trung tướng John O'Daniel chỉ huy vào Việt Nam. Ban đầu, MAAG chỉ có 200 nhân viên, đến năm 1960, lực lượng này đã có 2.000 người, trong đó có 800 cố vấn quân sự, rải khắp các địa phương miền Nam. Người lính Mỹ đầu tiên chết trận tại miền Nam Việt Nam được ghi nhận là thuộc MAAG.

Trên bức tường đá đen khắc 58.261 cái tên tại Khu tưởng niệm lính Mỹ chết tại Việt Nam ở thủ đô Washington, đứng đầu danh sách là Thiếu tá Bael Buis và Trung sỹ Chester Ovman. Hai quân nhân này bị đặc công ta tiêu diệt ngày 7-7-1959 trong trận tập kích vào trụ sở của MAAG tại Biên Hòa đóng tại biệt thự Nhà Xanh, nay thuộc phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa.

Từ năm 1955 đến năm 1973, Mỹ đã đưa hơn 6 triệu lượt binh sỹ đến miền Nam Việt Nam, lúc cao điểm nhất có hơn nửa triệu quân nhân tham chiến, trong đó hơn 58 nghìn người đã về nước trong những chiếc bao đựng xác. Họ và đồng đội cùng người thân của họ, cũng như những người Mỹ có lương tri, đều không hiểu nổi vì sao họ lại phải bỏ mạng ở xứ sở nhiệt đới xa lạ, chết cho ai, cho cái gì. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã tiêu tốn của Mỹ hơn 600 tỷ USD, để lại hậu quả nặng nề trong lòng nước Mỹ về lòng tin, sự ám ảnh của "hội chứng Việt Nam", khiến nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.

Ngày 2-8-1964, tàu khu trục Maddox thuộc Hạm đội 7 Mỹ xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vào gần đảo Hòn Mê và cửa biển Lạch Trường, Thanh Hóa, bị hải quân ta đánh đuổi. Nhân đó, Mỹ dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", lấy cớ mở chiến dịch "Mũi tên xuyên", bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân nhằm vào miền Bắc nước ta. Ngày 5-8-1964, không quân Mỹ đánh phá Nghệ An, Thanh Hóa, Hòn Gai… Chiều hôm ấy, Trung úy Everett Alvarez cùng 7 đồng đội xuất phát từ tàu sân bay Constelation thuộc Hạm đội 7, thực hiện đợt 3 đánh phá thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Vào lúc 14h43, chiếc máy bay cường kích A4D Skyhawk (Chim ưng nhà trời) của E.Alvarez bị súng máy 14,5mm của Đại đội 141 do Trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy bắn rơi. E.Alvarez nhảy dù xuống biển, bị ngư dân và hải quân ta bắt sống. Hôm đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mặt tại Hòn Gai, đã chỉ thị phải đối xử nhân đạo với tù binh. E.Alvarez được cho uống cà phê, hút thuốc lá Điện Biên. Đây là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt trong cuộc chiến tranh phá hoại và trở thành tù binh có thâm niên cao nhất tại "Khách sạn Hilton Hà Nội", hơn 8 năm rưỡi. Tháng 3-1993, ông ta trở lại thăm nhà tù Hỏa Lò Hà Nội trong một chương trình làm phim, đến Bảo tàng Quân đội xin được đội thử chiếc mũ phi công của mình trưng bày tại đây.

Trong số những phi công bị bắt, bị tiêu diệt trong chiến tranh phá hoại, có những người nổi tiếng như Thiếu tá Shoemaker, phi công dự bị bay vũ trụ; Thiếu tá John S.McCain, có ông nội và bố đều là Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, sau này trở thành Thượng nghị sỹ, năm 2008 đã ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ; Peter Peterson, sau này là Đại sứ đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam và hàng chục "thiếu gia" con tướng Mỹ… Phi công Mỹ bị bắt cuối cùng, thời gian ngồi tù ít nhất là Thiếu tá Hải quân Alfred Agnew, 33 tuổi, bị bắt sống tại Hà Tây sáng 30-12-1972. Ngày 29-3-1973, anh ta được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trao trả theo Hiệp định Paris. Lúc 15h20, chiếc máy bay C-141 số hiệu 50238 của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ sân bay Gia Lâm, Hà Nội rời khỏi Việt Nam mang theo những tù binh phi công.

Người lính và cũng là phi công Mỹ cuối cùng bị bắt tại miền Nam sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là Thiếu tá Hải quân Phillip Allen Kientzler, số lính 073.30.2438, lái chiếc "Con ma" F-4J bị bắn rơi và bị bắt ngày 26-1-1973 tại xóm Cộ, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đúng một ngày trước khi ký kết Hiệp định Paris. Anh ta được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả ngày 27-3-1973. Ngày 29-3-1973 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, ngày mà người lính Mỹ cuối cùng trong đạo quân xâm lược phải rút khỏi nước ta theo Hiệp định Paris.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với PGS,TS - Nhà giáo Ưu tú Trần Duy Hinh, nguyên Trưởng khoa Sau đại học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nguyên phóng viên chiến trường của Xưởng phim Quân đội, thành viên Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và nhiều sỹ quan của ta tại Ban Liên hợp quân sự 4 bên Trung ương, những người đã chứng kiến giờ phút cuối cùng của đạo quân xâm lược. Các nhân chứng này cho biết, ngày 29-3-1973, trong số những quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam có Đại tướng Friedrich Wayend, Tổng Chỉ huy Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ (MACV) và 5 sỹ quan cao cấp tùy tùng. Người lính Mỹ cuối cùng trong danh sách lên máy bay là Hạ sỹ McBielsky, anh ta được trưởng nhóm công tác của ta trao quà kỷ niệm là chiếc mành trúc có hình chùa Một Cột. Chiếc DC-9 thuộc Bộ Chỉ huy vận tải quân sự Mỹ số hiệu 40.619 là chiếc máy bay đã đưa 95 quân nhân Mỹ cuối cùng rời khỏi mảnh đất đã trở thành định mệnh của nước Mỹ. Khi cả toán lính đã vào khoang máy bay, bỗng nhiên Đại tá Không quân Oden vốn đã lên máy bay từ trước lại nhảy xuống đất. Oden cầm chai rượu vang, ngửa cổ tu, rượu chảy tràn ra mép, xuống cổ áo rồi trao cho Đại tá quân cảnh ngụy tên là Ngưu đón chai rượu tu ừng ực. Vì thế, Oden lại được ghi nhận là người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam theo Hiệp định Paris.

Điều thú vị là Thiếu tướng Gilbert Woodward, Trưởng Phái đoàn quân sự Hoa Kỳ trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên đã gặp Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xin ở lại một đêm để thu xếp việc gia đình, hôm sau sẽ bay sang Thái Lan trên chiếc U-21. Được ta đồng ý, G.Woodward trở thành người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam theo Hiệp định Paris.

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 5 cánh quân giải phóng đồng loạt tiến công vào hang ổ cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Đại sứ quán Mỹ tổ chức cuộc di tản khẩn cấp bằng máy bay trực thăng. 4h ngày 30-4, một viên Thiếu tá Lính thủy đánh bộ Mỹ đến gần Đại sứ Graham Martin nói: "Nếu ông không lên chiếc trực thăng đang chờ sẵn thì tôi thừa lệnh đặc biệt của Tổng thống sẽ phải khiêng ông đi". G.Martin buộc phải cuốn cờ, bước lên trực thăng, theo sau là các sỹ quan CIA Polga, LaGuex và Jacobson. Chiếc trực thăng bốc mình rời khỏi nóc Tòa đại sứ, đưa Martin ra chiến hạm USS Blue Ridge ngoài Biển Đông, chấm dứt sự hiện diện của người Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại và suy ngẫm (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.