(HNMCT) - Trẻ trung, sôi động với rất nhiều thử nghiệm thành công, những gương mặt mới - đó là những gì dễ nhận thấy ở bức tranh âm nhạc năm 2022. Tuy nhiên, trong “cuộc tái sinh” ngoạn mục sau dịch Covid-19, vẫn có những mảng tối cần được nhìn nhận, tránh lặp lại trên con đường âm nhạc 2023.
Mạnh dạn thử nghiệm, chịu khó đầu tư
Ban tổ chức Giải Âm nhạc Cống hiến - giải thưởng được ví như “một Grammy của Việt Nam”, vừa đưa ra danh sách Top 15 đề cử cho hai hạng mục Bài hát của năm, Music video của năm; top 10 với 3 hạng mục Nghệ sĩ mới của năm, Nam ca sĩ của năm và Nữ ca sĩ của năm để các nhà báo theo dõi âm nhạc trên toàn quốc cũng như khán giả yêu âm nhạc bình chọn.
Ở hạng mục Video và ca khúc của năm, có thể thấy "những cái tên triệu view" như: “906090” (sáng tác: Mew Amazing; thể hiện: Tóc Tiên), “Chạy về khóc với anh” (sáng tác: Nguyễn Phúc Thiện; thể hiện: Erik), “Diễn viên tồi” (Đen, feat. Thành Bùi, Cadillac), “Cô đơn trên sofa” (sáng tác: Tăng Duy Tân; thể hiện: Hồ Ngọc Hà), “Có không giữ mất đừng tìm” (sáng tác: Bùi Công Nam; thể hiện: Trúc Nhân), “Waiting For You” (sáng tác và thể hiện: MONO), “Hẹn ước từ hư vô” (sáng tác: Phan Mạnh Quỳnh; thể hiện: Mỹ Tâm)…
Trong danh sách đề cử cho danh hiệu Nghệ sĩ của năm, đáng chú ý là những nghệ sĩ mới với nhiều cái tên gây ấn tượng trong năm qua như: Mỹ Anh, Hoàng Duyên, Hieuthuhai, MONO… Họ đang cho thấy một thế hệ mới kế cận của nhạc Việt - lớp ca sĩ "Gen Z" có đủ nền tảng học thuật, kỹ thuật âm nhạc, tiếp cận nhanh với thông tin, xu hướng thế giới. Bên cạnh đó, những cái tên quen thuộc như Tùng Dương, Tóc Tiên, Mỹ Tâm, Hoàng Thùy Linh, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn… vẫn giữ được phong độ với việc ra mắt các sản phẩm âm nhạc mới gây ấn tượng.
Danh sách này cũng là “bản tóm tắt” thành tích của âm nhạc đại chúng năm qua ở góc độ nghệ sĩ và sản phẩm cá nhân. Sản phẩm âm nhạc nhiều, đa dạng về thể loại, từ pop dance trẻ trung, R&B thời thượng cho đến hip hop, rap…, cho thấy thị trường âm nhạc đã phục hồi khá tốt sau 2 năm đại dịch.
Ngoài danh sách nói trên, khán giả cũng được chứng kiến cuộc đua của những “tay chơi” âm nhạc với sự đầu tư nghiêm túc, thậm chí còn có nhiều thử nghiệm thú vị ở nhiều thể loại, từ thử thách làm mới mình với nhạc xưa của những giọng ca thính phòng, đến việc đưa rap kết hợp với nhạc giao hưởng… Thú vị, táo bạo và cũng gây nhiều tranh cãi nhất là album “Dongvui harmony” của Đen. Album tập hợp những bản rap đình đám trong sự nghiệp của Đen suốt 10 năm qua, như: “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em”, “Ai muốn nghe không”, “Trốn tìm”, “Một triệu like”… nhưng được hát live trên nền nhạc giao hưởng. Album được chuyển soạn và phối khí bởi nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cố vấn âm nhạc Long Halo cùng nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và dàn nhạc giao hưởng hơn 100 thành viên. Phần hình ảnh của video live performance giữa bối cảnh nhà hát tráng lệ được thực hiện bởi đạo diễn Thành Đồng. Khi sản phẩm ra mắt, không ít người trầm trồ trước thử nghiệm táo bạo của rapper khi đưa chất đường phố, xù xì của rap kết hợp với tính cổ điển, hàn lâm của giao hưởng. Cũng có không ít người cho rằng, sự kết hợp này còn khiên cưỡng, tuy vậy, nó cũng cho thấy “giấc mơ lớn” của các rapper Việt.
Nhìn lại để tránh "sạn"
Dẫu có những điểm sáng đáng ghi nhận song đời sống âm nhạc 2022 vẫn còn nhiều “hạt sạn”, nhiều vấn đề cần rút ra bài học kinh nghiệm như nạn nhạc “rác”, tình trạng tranh chấp bản quyền…
Trong đó, đáng để nói đến nhất có lẽ là chuyện ồn ào của các sản phẩm âm nhạc “rác” bị công chúng tẩy chay. MV “There is no one at all” với ca từ, hình ảnh tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến tâm lý giới trẻ đã khiến ca sĩ Sơn Tùng M-TP phải chịu án phạt 70 triệu đồng từ cơ quan chức năng, đồng thời phải gỡ MV khỏi nền tảng YouTube. Cùng với đó, nhiều MV của các ca sĩ khác như Chi Pu, Phí Phương Anh, Bình Gold, Rhymastic... cũng bị dư luận lên án vì ca từ thô tục, nhảm nhí hoặc vô nghĩa, hình ảnh phản cảm. Cũng trong năm, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định xử phạt đơn vị tổ chức liveshow “Spacespeakers concert 2022 - Kosmik” - chương trình rap được coi là đình đám, đánh dấu 11 năm đồng hành của 11 thành viên SpaceSpeakers. Lý do là "chương trình Spacespeakers live concert - Kosmik đã có dấu hiệu vi phạm thuần phong, mỹ tục, tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý cộng đồng; một số hình thức trình diễn của nghệ sĩ trong chương trình gây phản cảm, thể hiện sự coi thường giá trị văn hóa truyền thống…".
Những hiện tượng nhạc “rác” kể trên phản ánh một trong những vấn đề nổi cộm của nhạc Việt hiện nay, đó là tình trạng chạy đua theo view, tìm mọi cách, kể cả những cách thể hiện phản cảm để câu view. Nhưng cũng từ đó, có thể thấy công chúng đã có động thái mạnh mẽ để tẩy chay nhạc “rác”, cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời, xử lý vấn đề cương quyết. Hy vọng rằng, các nghệ sĩ sẽ tự rút ra bài học cho mình để tránh được bước đi sai lầm trên con đường âm nhạc, tiếp tục chinh phục khán giả trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.