Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại lượt đi V-League 2011: Sự lên ngôi của bóng đá bạo lực

Theo TT&VH| 11/05/2011 06:41

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế rằng: Lượt đi V-League năm nay đã khép lại với sự lên ngôi của bóng đá bạo lực. Chỉ cần nhìn vào biểu đồ về số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ của lượt đi 5 mùa giải chuyên nghiệp gần đây, chúng ta có thể nhận thấy ngay điều đó.


Những biểu đồ trên cho thấy số lượng thẻ phạt (cả thẻ vàng lẫn thẻ đỏ) có xu hướng tăng dần qua các mùa giải. Từ mùa giải 2007 (16 thẻ đỏ, 291 thẻ vàng) đến mùa giải 2008 (18 thẻ đỏ, 373 thẻ vàng), tăng mạnh ở mùa giải 2009 (28 thẻ đỏ, 416 thẻ vàng), tuy giảm nhẹ ở mùa giải 2010 (26 thẻ đỏ, 397 thẻ vàng), nhưng rồi lại tiếp tục tăng ở mùa giải 2011 (29 thẻ đỏ, 431 thẻ vàng).

So với lượt đi của mùa giải được coi là bạo lực nhất từ trước đến nay (mùa giải 2009) thì lượt đi mùa giải năm nay vẫn nhiều hơn một thẻ đỏ và 15 thẻ vàng, con số khiến cho những người yêu bóng đá đẹp không thể hài lòng. Thậm chí, theo đánh giá của những nhà chuyên môn thì những con số trên còn chưa lột tả hết thực tế đang diễn ra trên các sân cỏ của V-League 2011. Bởi kể từ đầu giải cho đến nay, đã có không ít những trường hợp cầu thủ phạm lỗi, thậm chí là phạm lỗi nặng nhưng lại được các trọng tài bỏ qua hoặc nương nhẹ.

Việc trong 13 vòng đấu đã qua, ngoại trừ 3 vòng đấu (vòng 2, vòng 5 và vòng 10), còn lại vòng đấu nào cũng có ít nhất một cầu thủ phải nhận thẻ đỏ của trọng tài là một bằng chứng cho thấy rõ lối chơi bạo lực đang ngày càng “có đất dụng võ” tại V-League năm nay.

Đội bóng nào xấu chơi nhất?

Để có thể đánh giá được một cách khách quan và chính xác việc đội bóng nào “xấu chơi” hơn, hãy cùng nhìn lại số lượng thẻ phạt mà các đội bóng tham dự V-League năm nay phải nhận ở lượt đi vừa qua.


Tên đội

    Thẻ đỏ

    Thẻ vàng

SLNA

5

38

SHB.ĐN

1

32

TĐCS.ĐT

4

33

Thanh Hóa

3

29

HN.T&T

1

23

K.KH

2

35

NB.SG

0

35

V.NB

2

38

B.BD

4

24

HP.HN

3

27

HA.GL

2

26

V.HP

1

34

HN.ACB

1

30

ĐT.LA

0

27


Nếu chúng ta coi một thẻ vàng tương đương với một điểm "xấu chơi", một thẻ đỏ (trực tiếp hoặc 2 thẻ vàng) tương đương với 3 điểm "xấu chơi" thì sau khi nhân với số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ mà các đội bóng phải nhận, chúng ta sẽ có biểu đồ “xấu chơi” của các đội bóng ở lượt đi theo thứ tự giảm dần như sau:


Dẫn đầu không ai khác chính là đội đầu bảng SLNA với số điểm “xấu chơi” lên tới 53 (5 thẻ đỏ, 38 thẻ vàng). Vì thế, nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên phong cách chơi rắn tới mức thô bạo như ở lượt đi vừa qua (vừa là đội phải nhận nhiều thẻ vàng nhất, vừa là đội phải nhận nhiều thẻ đỏ nhất), nhiều khả năng đội bóng xứ Nghệ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi trong giai đoạn lượt về sắp tới do thiếu vắng những cầu thủ quan trọng vì bị treo giò. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tham vọng đăng quang ngôi vô địch V-League lần đầu tiên sau 10 năm chờ đợi của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Xếp tiếp theo SLNA là TĐCS.ĐT, đội bóng phải nhận nhiều thẻ đỏ thứ 2 (4 thẻ đỏ) và V.NB (đội bóng phải nhận nhiều thẻ vàng nhất - 38 thẻ vàng, tương đương SLNA) với số điểm “xấu chơi” lần lượt là 45 và 44.

Trong khi đó, 2 đội bóng chơi fair-play nhất ở lượt đi là ĐT.LA (27 điểm) và HN.T&T (26 điểm). Trong khi ĐT.LA là một trong 2 đội không phải nhận thẻ đỏ nào ở lượt đi (cùng vói N.SG) thì HN T&T là đội phải nhận ít thẻ vàng nhất (23 thẻ vàng). Đó chính là tấm gương chơi đẹp mà các đội bóng khác cần phải học tập ĐT.LA và HN T&T.

Với 5 thẻ đỏ, 38 thẻ vàng, SLNA (trái) là đội bóng số một của lượt đi V-League 2011 về số thẻ phạt.


Xét cho cùng, việc phạm lỗi dẫn tới việc phải nhận thẻ vàng hay thẻ đỏ chỉ là một hình thức thể hiện sự yếu kém về mặt thể lực, kỹ chiến thuật chứ không thể coi đó là một cách chơi, cho dù người ta vẫn thừa nhận rằng đó là một phần tất yếu của bóng đá. Bởi vậy, bên cạnh việc cố gắng thi đấu để giành được những thành công về mặt chuyên môn, các cầu thủ và các đội bóng cần phải học cách tôn trọng nhau và cư xử với nhau một cách có văn hóa trên sân. Chỉ có như vậy thì những đội bóng xấu chơi, những anh chàng “chém đinh chặt sắt” mới dần biến mất khỏi bóng đá Việt Nam và ngăn chặn được đà lên ngôi của bóng đá bạo lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại lượt đi V-League 2011: Sự lên ngôi của bóng đá bạo lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.