Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại 60 ngày giam chân giặc Pháp ở Hà Nội

Phạm Kim Thanh| 18/12/2019 07:10

(HNM) - Đêm 19-12-1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Kỷ niệm 73 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng ta cùng nhìn lại 60 ngày đêm anh dũng của quân dân Thủ đô Hà Nội để rút ra những bài học sâu sắc.

Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu

1. Ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc đã họp và nhận định, trước sau gì thực dân Pháp cũng đánh nên phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Ngày 20-11-1946, Pháp nổ súng tại Hải Phòng. Ngày 23-11-1946, Thường vụ Trung ương họp khẩn. Nhận rõ vị trí quan trọng và ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của Thủ đô Hà Nội đối với cuộc kháng chiến trên toàn quốc; đồng thời, trên cơ sở phân tích, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Bộ Tổng chỉ huy quyết định: “Chiến khu Hà Nội không thể rơi vào thế bất ngờ; nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân địch ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh”.

Để hoàn thành trọng trách đó, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Khu ủy Khu XI cho đồng chí Nguyễn Văn Trân, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội cho đồng chí Vương Thừa Vũ. Công việc quan trọng hàng đầu là phải vạch được kế hoạch tác chiến, bố trí trận địa, tổ chức lực lượng chiến đấu sao cho địch không thể “đánh nhanh, thắng nhanh”, chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ như chiến lược của chúng. Theo đó, các tiểu đoàn Vệ quốc quân bố trí như sau: Tiểu đoàn 101 ở trong Liên khu I, tiểu đoàn 77, 212, 523, 56 và 145 là dự bị, tập trung đón ở các cửa ô để tạo thế trong đánh ra, ngoài đánh vào, xen kẽ với địch.

Ngày 18-12-1946, thực dân Pháp gửi liên tiếp hai tối hậu thư cho Chính phủ ta. Sáng 19-12-1946, quân Pháp gửi tối hậu thư thứ ba. Nhưng tất cả đã sẵn sàng giáng trả quân xâm lược.   

16h ngày 19-12-1946, tại Sở chỉ huy Mặt trận đặt gần sân bay Bạch Mai, giờ và tín hiệu nổ súng được phổ biến cho các đơn vị. 20h03 ngày 19-12-1946, điện tắt toàn thành phố là hiệu lệnh nổ súng. Ngay trong đêm lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

2. Ngay từ tháng 10-1946, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu XI, quân dân Hà Nội đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến. Nhân dân nội thành đi tản cư, ngoại thành làm vườn không nhà trống. Một số nhà công thương, công chức, sinh viên, giáo dân xung phong vào Tự vệ Thành. Việc đào giao thông, đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia được làm suốt ngày đêm. Mỗi khu đều có kho đựng vũ khí do trên cấp phát, kho hậu cần và trạm cứu thương. Lớp học ngắn ngày về quân sự, cứu thương, tuyên truyền… được mở cấp tốc ở nhiều khu phố. Riêng Tự vệ Thành tự trang bị vũ khí. Các pháo đài của Đại đội pháo binh Thủ đô (ở Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thủ Khối) được quân dân ở làng xã tình nguyện tiếp đạn và bảo vệ. Mạng lưới thông tin của Khu XI được thiết lập, nối trực tiếp với Liên khu I.

Đêm 19-12-1946, quân dân Thủ đô đã chủ động nổ súng tiêu diệt địch. Vệ quốc quân đánh địch ở các vị trí trọng điểm, có Tự vệ Thành và Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Công an xung phong sát cánh bên nhau, chia lửa, điển hình là ở khu vực Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Cửa Nam, Đấu Xảo, ga Hàng Cỏ… Chị em phụ nữ xung phong tiếp tế, cứu thương. Các em Vệ Út 10-13 tuổi làm liên lạc rất dũng cảm. Nhiều ụ chiến đấu mọc lên ở ngã năm Hàng Đào, Cầu Gỗ, Ô Cầu Dền, Lương Yên… là sáng tạo của người dân để đánh địch ngay trên đường phố, tấn công địch rất hiệu quả. Quân dân Liên khu II còn úp nồi đất trên phố Huế, chặn bước tiến của quân Pháp xuống Bạch Mai ngày 26-12-1946. Ở ngoại thành, những nông dân, thợ thủ công trở thành chiến sĩ, xung phong vào Cầu Giấy, Kim Mã, Thụy Khuê, Yên Phụ, Ngã Tư Sở, Giảng Võ, Lương Yên… hỗ trợ chiến đấu. Vì thế, cuộc kháng chiến nổ ra ở Thủ đô ngay từ những ngày đầu tiên đã mang tính toàn dân, toàn diện.

Sau nửa tháng tấn công nhưng không chiếm được thành phố theo kế hoạch, giữa lúc đó, lãnh sự Trung Quốc nêu đề nghị Pháp tạm ngừng bắn để Hoa kiều rút khỏi nội đô. Nắm lấy cơ hội, ngày 13-1-1947, các đồng chí: Nguyễn Văn Trân, Hoàng Minh Giám, Hoàng Hữu Nam đã vào Ô Chợ Dừa để hội đàm với Vương Tử Kiên - lãnh sự Trung Quốc, Wilson - lãnh sự Anh, Sulivan - lãnh sự Mỹ. Ngày 15-1-1947, các bên tạm ngừng bắn. Hoa kiều đi theo đường Hàng Giấy, Hàng Đậu lên đê Yên Phụ theo đường tản cư ra ngoài. Đêm đó, đồng bào chưa kịp tản cư đã cùng hàng trăm chiến sĩ Liên khu I đi lẫn vào dòng người Hoa theo kế hoạch đã định. Đó là một thắng lợi to lớn để bảo vệ lực lượng và tính mạng nhân dân cho cuộc kháng chiến lâu dài.

3. Trong tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng, lực lượng vũ trang Thủ đô gồm bộ đội, Tự vệ chiến đấu, Tự vệ thành Hoàng Diệu, tự vệ ở các làng, xã, Công an Hà Nội và Trung ương đã được Đảng quan tâm phát triển và củng cố để giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được. Đến trước ngày 19-12-1946, số quân Pháp ở Đông Dương là 90.000 tên; trong đó ở Hà Nội tập trung 6.500 lính và sĩ quan, đóng ở 45 vị trí. Ta có 2.515 chiến sĩ, hơn 8.000 tự vệ.

Để thực hiện thế trận trong đánh ngoài vây, trong - ngoài cùng đánh, Tiểu đoàn 56 của tỉnh Hà Đông được điều động về Hà Nội trước ngày 19-12-1946, chốt giữ Ngọc Hà, Đội Cấn, Khâm Thiên, Nhà Rượu, Ô Cầu Dền, Lương Yên. Sau ngày 23-12-1946, Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn 37 của tỉnh Sơn Tây được điều về tăng cường, chốt giữ phía Nam thành phố, từ Kim Liên đến Nhà thương Vọng.

Sau 7 ngày đêm chiến đấu, Bộ Chỉ huy khi phân tích tình hình thực tiễn của ba liên khu phố từ đêm 19 đến ngày 25-12-1946 đã quyết định sáp nhập Khu XI vào Khu II để bổ sung lực lượng mọi mặt cho Hà Nội đang kiên cường giam chân và tiêu hao địch trên từng góc phố. Đến đầu năm 1947, những cuộc chiến đấu của quân dân Bắc Ninh, Hải Dương… đã chia lửa với Hà Nội, góp phần vào chiến thắng của Thủ đô Hà Nội anh hùng: Từ ngày 19-12-1946 đến 17-2-1947, hơn 2.000 tên địch bị tiêu diệt. 60 ngày chiến đấu kiên cường, giữ từng căn nhà, từng góc phố, quân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch.

…Trải qua 73 năm, những bài học lịch sử về tinh thần kiên cường đánh địch trong gian nan, động viên sức mạnh to lớn trong nhân dân, kết hợp nhiều lực lượng để đánh địch là rất thiết thực và mang tính thời sự nóng hổi trong cuộc đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 60 ngày giam chân giặc Pháp ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.