Năm 2024, các chuyên gia dự báo thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ, chỉ số VN-Index có thể lên mức 1.300 điểm, thậm chí quanh mức 1.450 điểm.
VN-Index tăng giảm đan xen
Năm 2023, thị trường chứng khoán bắt đầu sôi động từ tháng 4 trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch chính sách tiền tệ thắt chặt sang linh hoạt. Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt của thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản. Chỉ số VN-Index đã có mạch tăng ấn tượng từ cuối tháng 3 đến mức đỉnh 1.250 điểm vào giữa tháng 9.
Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10, chỉ số VN-Index gần như mất hết thành quả tăng điểm trước đó. Trong phiên cuối tháng 10, VN-Index giảm 14,21 điểm, còn 1.028,19 điểm. So với tháng 9, chỉ số VN-Index đã giảm gần 11%.
Từ đầu tháng 11, thị trường chứng khoán trong nước dần phục hồi khi ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tạo đỉnh. Phiên cuối tháng 11, chỉ số VN-Index đạt 1.094,13 điểm, tăng 6,41% so với tháng 10 và tăng 8,64% so với cuối năm 2022.
Trong tháng 12, chỉ số VN-Index diễn biến tăng - giảm đang xen. Phiên cuối cùng của năm 2023 (29-12), chỉ số VN-Index nhích 1 điểm (0,09%), lên mức 1.129,93 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022.
Về thanh khoản thị trường quý II và quý III-2023 đã có sự khởi sắc khi giá trị bình quân tháng 7 đạt 21.166 tỷ đồng/phiên; 25.264 tỷ đồng/phiên trong tháng 9-2023. Song, sang tháng 10, thanh khoản thị trường giảm mạnh, có tuần bình quân giá trị giao dịch chỉ đạt 14.081 tỷ đồng/phiên. Đến tháng 11, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 16.567 tỷ đồng, tăng 15,98% so với tháng 10. Tuy nhiên, sang tháng 12 thanh khoản ở mức thấp. Đặc biệt tuần thứ 3 của tháng, thanh khoản trung bình chỉ dưới 11.000 tỷ đồng/phiên bởi nhà đầu tư cá nhân thận trọng, khối ngoại liên tục bán ròng.
Năm 2024 sẽ khả quan hơn?
Nhận định về năm 2024, không ít chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận, ngay từ đầu năm 2024, chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì. Việt Nam có thêm dư địa giảm lãi suất, là yếu tố rất tốt hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, tỷ giá sẽ tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn năm nay, có thể ở mức 14-15%.
Với chính sách tài khóa, Chính phủ vẫn thực hiện chính sách giảm thu (giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền cho thuê đất), từ đó giảm chi phí giúp doanh nghiệp phục hồi. Như vậy, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều hỗ trợ thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới có thể sẽ hồi phục nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng lên, cán cân thương mại xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục thặng dư; kiều hối - dòng ngoại tệ lớn sẽ đổ về Việt Nam. Vì vậy, năm 2024, nếu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đạt 20-30% thì chỉ số VN-Index có cơ hội tăng 20-25%, có thể lên 1.300-1.350 điểm.
“Trước mắt, sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, thị trường diễn biến khả quan, dòng tiền sẽ trở lại, khối ngoại sẽ không còn bán ròng. Hiện tại, lãi suất huy động rất thấp, giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua cho thấy dòng tiền có sự dịch chuyển, vì vậy, kênh chứng khoán có thể hút dòng tiền”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận.
Đồng quan điểm, các chuyên gia Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, diễn biến chung trên thị trường trong trung hạn nhiều khả năng sẽ là những nhịp tăng - giảm đan xen; mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam là kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất từ quý II-2024… Thông thường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi; kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024 trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.
Ngoài ra, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Chưa kể, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam) sẽ đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thị trường.
Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), năm 2024, kênh đầu tư chứng khoán vẫn duy trì được sự hấp dẫn. Nhìn về triển vọng của năm 2024, kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.