Pháp luật

Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Thu Hằng 29/12/2023 - 13:30

Ngày 29-12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)”.

2(3).jpg
Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Chinh, thành viên thường trực Tổ biên tập dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Cục Văn thư lưu trữ (Bộ Nội vụ) cho biết: Dự thảo Luật Lư trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; quy định về hoạt động lưu trữ tư; quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Sáu tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, Hội Văn thư - Lưu trữ, Bộ Tư pháp... đã đi vào các nội dung cụ thể của dự thảo.

tan.jpg
Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam nêu ý kiến tại hội thảo.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, về kinh phí cho hoạt động lưu trữ, khoản 1 Điều 61 quy định: “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”. Tuy nhiên, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có khoản cụ thể riêng cho hoạt động lưu trữ nằm trong khoản chi thường xuyên phân bổ kinh phí hằng năm cho các cơ quan, tổ chức. Hiện tại, chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ.

Tiến sĩ Phạm Văn Tân đề nghị, cần quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

1(1).jpg
Quang cảnh buổi hội thảo.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam Đinh Thế Vinh bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tuy nhiên, điểm a và b khoản 1 điều 56 quy định: “Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ theo thẩm quyền quản lý”. Như vậy, một dự án, một hoạt động dịch vụ lưu trữ có đến ba cấp quản lý có thể thanh tra, kiểm tra, từ Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

Theo ông Vinh, cần tách bạch giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, vì nếu quy định không cẩn thận sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tạo áp lực cho cá nhân tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, dễ phát sinh tiêu cực.

Kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, tâm huyết và cho biết, Liên hiệp Hội sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.