(HNM) - Luật sư (LS) chưa được tôn trọng và tạo điều kiện đúng mức khi tham gia hoạt động tố tụng. Một số LS chưa tìm hiểu hết các văn bản pháp luật có liên quan khi thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật cho người dân trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… những nhận định được đưa ra sau 5 năm thi hành Luật LS trên địa bàn Hà Nội cho thấy, để công tác này đạt hiệu quả, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía…
Vì sao nhiều văn phòng luật sư chết yểu?
Kể từ ngày 1-1-2007 khi Luật LS có hiệu lực đến nay, đội ngũ LS trên địa bàn TP Hà Nội đã có bước phát triển mạnh cả về lượng và chất. Theo UBND TP Hà Nội, sau 5 năm (2007-2011) Đoàn LS Hà Nội đã có 1.678 LS, 1.379 người tập sự hành nghề LS và 797 tổ chức hành nghề LS. Các tổ chức đã thực hiện được 38.308 vụ việc, trong đó có 2.959 vụ hình sự, 1.049 vụ kinh tế, 2.061 vụ dân sự… Đáng ghi nhận, hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý của LS đã góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh, đúng pháp luật. Việc tham gia tố tụng của các LS đã góp phần bảo đảm quyền được bào chữa của bị cáo, đồng thời giúp cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế.
Tuy nhiên, với đội ngũ LS được cho là phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, song theo nhìn nhận của nhiều người, đội ngũ LS chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội. Theo đánh giá của đại diện Sở Tư pháp Hà Nội, đang có hiện tượng nhiều LS trẻ sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề đã vội vàng mở văn phòng riêng. Do thiếu kinh nghiệm, năng lực nên không ít văn phòng mở ra đã "chết yểu" làm sút giảm lòng tin của người dân. Bên cạnh đó, một số tổ chức hành nghề chưa nộp báo cáo đúng hạn và phần lớn các tổ chức hành nghề LS nhưng không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Một số LS khi tư vấn pháp luật cho người dân trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hay chế độ chính sách của thương binh, liệt sĩ lại chưa tìm hiểu hết các văn bản pháp luật mới ban hành dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp.
Cá biệt, có những LS đã sử dụng những hiểu biết của mình để lách luật, thậm chí vi phạm pháp luật. Một vi phạm khá phổ biến hiện nay là do Luật LS và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp không có chế tài "trong việc tổ chức hành nghề LS thay đổi trụ sở nhưng không báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước thì bị xử phạt" nên nhiều tổ chức hành nghề LS khi mở văn phòng giao dịch hay thay đổi trụ sở không thông báo với cơ quan quản lý, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật LS trên địa bàn Hà Nội mới đây, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội Hoàng Huy Được thẳng thắn cho rằng hoạt động LS chưa tương xứng với kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp và chưa gây dựng được niềm tin với người dân. Thực tế, chất lượng LS cũng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật trên địa bàn. So với tổng số vụ án mà TAND TP Hà Nội đã giải quyết thì số vụ án có LS tham gia mới chiếm khoảng 10% cho thấy tiềm năng dịch vụ pháp lý rất lớn nhưng LS chưa khai thác được nhiều.
Giải tỏa bất cập
Qua 5 năm triển khai, thi hành Luật LS, nhiều người trong cuộc cho rằng đã và đang có nhiều vướng mắc, bất cập trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề LS hiện nay.
Vấn đề nổi cộm khiến nhiều LS bức xúc là việc họ chưa được tôn trọng và tạo điều kiện đúng mức khi tham gia hoạt động tố tụng, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra hay được khách hàng mời. Trong khi đó, theo quy định của Luật LS, giấy chứng nhận người bào chữa, bảo vệ quyền lợi của đương sự có giá trị trong cả quá trình tố tụng. Có những trường hợp, hồ sơ đã chuyển sang tòa án theo trình tự tố tụng, nhưng tòa lại không chấp nhận mà yêu cầu LS phải thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận mới, gây cản trở trong hoạt động của LS. Không ít trường hợp, những kiến nghị của LS đối với cơ quan tiến hành tố tụng không được trả lời.
Không chỉ bị vướng từ các cơ quan tiến hành tố tụng, hiện nay các LS còn bị vướng từ chính các quy định của Luật LS. Tại luật chỉ mới quy định người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 và muốn hành nghề LS thì phải có chứng chỉ hành nghề và gia nhập một đoàn LS nhưng luật lại không quy định thời hạn cụ thể LS hoạt động bao lâu thì mới được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc "đông" nhưng chưa "mạnh" của Đoàn LS Hà Nội hiện nay. Thêm vào đó, do luật chưa có quy định cụ thể về diện tích trụ sở, thời gian tối thiểu cố định của trụ sở nên dẫn tới việc nhiều tổ chức hành nghề liên tục thay đổi địa điểm dẫn tới khó khăn trong quản lý. Luật cũng chưa quy định thời hạn tổ chức hành nghề LS không hoạt động thì Sở Tư pháp có quyền thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ chia sẻ: "Từ góc độ hành nghề, các LS đều mong muốn Luật LS được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để đội ngũ LS phát triển mạnh và trong sạch".
Để nâng cao chất lượng đội ngũ LS, theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, thời gian tới UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của LS. Đồng thời, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề trên địa bàn. Xây dựng cơ chế bảo đảm để LS thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực từ nhiều phía, đội ngũ LS Hà Nội sẽ từng bước khẳng định vị thế, vai trò của mình trong việc góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.