Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vấn đề cần cụ thể

Đức Cường| 30/09/2010 07:04

(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan cho dự thảo Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Theo các chuyên gia về tiền lương, tiền công, việc quy định mức chi trả tiền lương, tiền công cho người đại diện vốn nhà nước trong các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn quan trọng này.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ điều 3 của dự thảo Nghị định quy định về lương của thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Theo quy định, nếu điều lệ không quy định thì thành viên HĐQT chỉ có thù lao (không có lương). Vậy nếu vấn đề này không được các cổ đông thông qua và không đưa vào điều lệ công ty thì có nghĩa là thành viên HĐQT của công ty đó không có lương. Ngược lại, ở một công ty khác, thành viên HĐQT có thể được hưởng lương. Điều đó sẽ tạo nên sự bất bình đẳng về thu nhập được hưởng giữa các thành viên HĐQT, đặc biệt là giữa những người đại diện phần vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phần (CTCP), mặc dù các công ty này có thể có cùng hiệu quả kinh doanh.

Người lao động trong các DN cổ phần cần được nhận mức lương, thưởng tương xứng với công sức. Ảnh: Nguyễn Minh

Nếu được thông qua thì tiền lương của thành viên HĐQT có được dùng để làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN không (vì chức danh thành viên HĐQT của CTCP không thuộc đối tượng của Hợp đồng lao động)? Điều đó còn liên quan đến quyền lợi sau khi nghỉ hưu của những người này. Giả sử nếu được tính các loại bảo hiểm thì tỷ lệ tính sẽ là bao nhiêu; do công ty tự quy định (trong điều lệ) hay theo thang lương của Nhà nước? Vì đa số các công ty sau khi chuyển đổi mô hình, vẫn đang áp dụng thang bảng lương của Nhà nước.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định mới chỉ đề cập đến các thành viên HĐQT, tổng giám đốc của CTCP mà bỏ qua các thành viên Ban Kiểm soát, là đối tượng có thể đại diện phần vốn của Nhà nước tại công ty.

Hiện nay, quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN. Tuy nhiên, nghị định cũng chỉ nêu ra việc đại diện chủ sở hữu DN nhà nước và chủ sở hữu phần vốn nhà nước thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật DN nhà nước và theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.

Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), Luật DN nhà nước đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2010, nhưng hiện Chính phủ vẫn chưa có quy định nào thay thế. Vì vậy, các quy định khác nếu được ban hành sẽ khó thực hiện. "Chúng tôi muốn có quy định cụ thể về tiền lương của người đại diện phần vốn của Nhà nước trong DN. Nếu họ thực hiện vai trò tốt, làm tăng trưởng phần vốn nhà nước lên thì họ nên nhận được lương, thù lao, phụ cấp cao", bà Minh nói.

Dù đã có quy định về mức lương trần nhưng một số chuyên gia cho rằng, việc quản lý theo tư duy khống chế mức trần giống như cách quản lý lương thưởng trong DN nhà nước cần được thay đổi. Ví dụ theo dự thảo nếu tiền lương bình quân của người lao động dưới 5 triệu đồng/tháng thì tiền lương bình quân của thành viên chuyên trách hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc tối đa không vượt quá 10 lần so với tiền lương bình quân của người lao động.

Các ý kiến đóng góp còn nêu rõ mục đích chính của dự thảo là bảo đảm sự an toàn và tăng trưởng của phần vốn nhà nước trong DN thì vì sao không chọn cách đưa ra các định lượng tăng trưởng tối thiểu? Trong trường hợp DN đã đạt được tốc độ tăng trưởng, bảo toàn vốn cao hơn mức tối thiểu, thì nên để mức lương của người quản trị được thỏa thuận theo thị trường. Có như vậy mới tạo được động lực cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên trong DN nhà nước sau cổ phần hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vấn đề cần cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.