Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thách thức trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản

Ngọc Quỳnh| 01/07/2021 16:28

(HNMO) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kênh phân phối bị đứt gãy ở nhiều thị trường; giá thủy sản giảm; cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu chưa được gỡ bỏ..., hoạt động xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Vậy đâu là giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới để bảo đảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,8 tỷ USD.

Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Đối mặt với nhiều thách thức

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng qua, sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4%; sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1%...

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của biến đổi khí hậu.  

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định, nguồn lợi thủy sản đang tiếp tục suy giảm, cường lực khai thác vẫn ở mức cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác còn nhiều hạn chế; hạ tầng cảng cá vừa thiếu, vừa xuống cấp; bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá, cảng cá chưa được cải thiện, tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, gây lãng phí nguồn lợi...

Mặt khác, diễn biến thời tiết phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long làm cho thủy sản dễ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, nuôi trồng.

Hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng gặp không ít "rào cản", theo Chủ tịch Ủy ban Hải sản thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Thị Thu Sắc, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cảnh báo "thẻ vàng" về quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp thông tin, hiện nay, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Một số thị trường tăng cường kiểm soát hàng đông lạnh (bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm), số lô hàng bị cảnh báo gia tăng.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nhận định, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhưng doanh nghiệp không có nhiều lợi nhuận. Khi dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhu cầu sụt giảm và thay đổi.., có tới 20-40% đơn hàng đã ký hợp đồng bị hủy, đơn hàng đã giao thì bị chậm thanh toán dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu vốn quay vòng trong đầu tư.

Nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản dự kiến đạt khoảng 8,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác là 3,61 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn... Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8,8 tỷ USD.

Trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng của ngành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các địa phương tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất...

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm thủy sản tươi sống tiếp tục giảm, thay vào đó, các thị trường hướng tới những sản phẩm đóng hộp, hàng khô, hàng bảo quản... với giá cả phù hợp cho việc tiêu thụ tại các kênh bán lẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đóng hộp...; đồng thời, dự trữ nguyên liệu, kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, mục tiêu của ngành thủy sản là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng; đồng thời tập trung phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nhằm giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.

Mặt khác, ngành thủy sản sẽ quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu; đồng thời đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh...

Và một điều không thể không nói đến là cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường; đồng thời, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.