Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chưa đáp ứng được kỳ vọng

Hà Tuấn| 28/11/2013 05:56

(HNM) - Ngày 27-11, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra hội thảo khoa học "Văn học, nghệ thuật (VHNT) 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức. Thẳng thắn nêu rõ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực để tìm ra giải pháp xây dựng phát triển nền VHNT nước nhà là trọng tâm của buổi hội thảo…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương) khẳng định, mục tiêu "sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao" không chỉ đặt ra trong các văn kiện của Đảng mà còn là khát vọng của nhiều văn nghệ sĩ tâm huyết, là đòi hỏi của công chúng yêu VHNT và là "món nợ" nghề nghiệp của giới văn nghệ sĩ. Theo PGS.TS Đào Duy Quát (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương), 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã có những tác động tích cực như không gian sáng tạo được mở rộng, điều kiện lao động nghệ thuật từng bước được cải thiện, tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ được khơi dậy và phát huy, vì vậy đời sống VHNT trong 15 năm qua khá sống động và có bước tiến đáng kể cả về số lượng, chất lượng. Đáng chú ý, nhiều tác phẩm đã phản ánh sinh động sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, bước đầu thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời kỳ đổi mới. Khuynh hướng sáng tác chủ yếu lành mạnh, làm đậm thêm truyền thống yêu nước, nhân văn.

Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, chất lượng tác phẩm VHNT hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và công chúng yêu mến VHNT. Cụ thể hơn, PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, mặt hạn chế của sáng tạo VHNT 15 năm qua chính là chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, rất ít các tác phẩm đỉnh cao. Nhưng lại có nhiều sản phẩm VHNT tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với biểu hiện chủ yếu là xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp và đánh mất chức năng giáo dục. Đặc biệt, một số tác phẩm có biểu hiện xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và hai cuộc kháng chiến. Không ít các sản phẩm văn nghệ tiếp thu cái mới nhưng không chọn lọc tạo nên những sản phẩm yếu kém về nghệ thuật. Biểu hiện nổi bật nhất là một bộ phận không nhỏ ca khúc trẻ, phim truyền hình và một số phim, kịch xã hội hóa, một số tập thơ, tiểu thuyết… đã gây ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng vốn sống của văn nghệ sĩ rất quan trọng. "Thật đáng buồn là hiện nay, trong gần 1.000 nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam, có đến hơn 98% sống ở thành phố và các trung tâm hành chính, chỉ còn chưa tới 2% đang sống ở vùng nông thôn. Ở các trung tâm công nghiệp, các trọng điểm kinh tế, các tuyến đường, các cửa khẩu hay các bản làng xa xôi… Những vùng đất đang thay da đổi thịt, đời sống dân cư ngày càng ấm no, hạnh phúc đang vắng bóng nhà văn. Thế thì làm sao hiểu biết đầy đủ cuộc sống của đất nước ta hiện nay, làm sao có những tác phẩm hay phản ánh được bức tranh chân thực của đời sống dân cư vùng nông thôn… Dù xã hội có quan tâm, tạo điều kiện đến đâu cũng không thể thay thế sự tự rèn luyện của bản thân văn nghệ sĩ. Không tự rèn luyện thì tài năng không phát triển được. Rèn luyện qua sách vở, qua nhà trường, qua giao tiếp. Tuy nhiên, không có gì thay thế được rèn luyện trong thực tiễn", nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.

Với góc nhìn của mình, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng: Hầu hết nhà văn Việt Nam hiện nay vừa viết văn, vừa lo chuyện cơm áo mưu sinh nên không còn tập trung tâm trí, sức lực cho văn chương và sống bằng văn chương. Một vấn đề khác, theo nhà văn Chu Lai, ở nước ta có những nhà văn, đạo diễn, nhà biên kịch, nhạc sĩ, họa sĩ… không thua kém thế giới. Tuy nhiên thù lao, nhuận bút quá sức… khiêm nhường, có lúc gần như bằng

không (!). Đó là chưa nói có sự cách biệt lớn về thu nhập giữa các loại hình nghệ thuật, ví dụ giữa người nhạc sĩ "mang nặng đẻ đau" tác phẩm và ca sĩ. "Cơm áo không đùa với khách thơ nhưng tiền bạc cũng không làm nên tác phẩm. Có đặt trước mặt một cục tiền mệnh giá lớn mà bảo viết đi, cho ra tác phẩm vĩ đại đi thì không ai dám nhận. Nhưng khi họ đã có tác phẩm lớn rồi thì nên đặt trước mặt họ một cục tiền để… tái đầu tư".

Liên quan đến quan niệm sáng tác "giải trí hay giáo dục", PGS.TS Trần Luân Kim (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) phân tích: Quan niệm ưu tiên giải trí hay giáo dục không ngớt va đập nhau trên lý lẽ cũng như trong thực tiễn sáng tác, khiến dòng chảy sáng tác luôn quanh co gập ghềnh, khó xuất hiện những tác phẩm có giá trị đích thực. Giải trí là nhu cầu tự nhiên, luôn có chỗ đứng riêng của nó, song sẽ trở nên vô nghĩa, vô bổ và gây cụt hứng nếu đó là thứ giải trí đơn thuần, vô cảm. "Bên cạnh cảm giác thư giãn, người thưởng thức cần nhiều hơn những nguồn thông tin, những loại kiến thức mới, để vừa có thể mở mang trí tuệ vừa bồi bổ tâm hồn, rèn giũa nhân cách và hun đúc tình yêu…", PGS.TS Trần Luân Kim khẳng định.

Ở lĩnh vực điện ảnh, NSƯT, đạo diễn Lê Chức (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) cho rằng: Nhiều bậc ông cha, thầy chúng ta lúc trước đâu có giàu mà vẫn viết hay. Lưu Quang Vũ ban đầu đến ăn còn thiếu, viết thì ngồi xổm nhưng mà 25 năm sau khi mất, nhiều kịch bản của ông vẫn được dựng mới, vẫn lay động các tầng lớp người xem. Vấn đề cốt lõi vẫn là năng lực sáng tạo, cái nhìn phát hiện, cường độ cảm xúc, cái tâm trong sáng cùng trách nhiệm cao cả, kỹ thuật cấu trúc, khả năng dự báo, sự trải lòng dũng cảm nghề nghiệp trong đồng vọng của đối tượng hướng tới, vừa để dẫn dụ vừa để phục vụ họ,… sẽ làm ra tác phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chưa đáp ứng được kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.