Thế giới

Nhiều quốc gia thận trọng sau chiến thắng của ông Donald Trump

Quỳnh Dương 07/11/2024 - 08:53

Dù gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, song lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu, Mexico, Brazil tỏ ra thận trọng với sự trở lại Nhà Trắng của ông.

1(4).jpg
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Donald Trump đã có bài diễn văn ăn mừng trước đông đảo người ủng hộ tại Palm Beach, bang Florida. Ảnh: Reuters

Châu Âu

Các nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng họ sẵn sàng hợp tác với ông Donald Trump nhưng sẽ bảo vệ lợi ích của châu Âu và cũng không khỏi lo ngại về tác động của việc trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Mỹ.

Với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đầy biến động trong nhiệm kỳ trước (2017-2021), sự chỉ trích mạnh mẽ của ông Donald Trump đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quan điểm của ông về cuộc xung đột Nga - Ukraine và lập trường về biến đổi khí hậu, nhiều quan chức châu Âu đã nói trước cuộc bầu cử rằng họ lo ngại về chiến thắng của Donald Trump.

Là một trong những nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên công khai gửi thông điệp chúc mừng ông Donald Trump, Tổng thống Pháp đã nói sau đó rằng, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để bảo đảm họ sẽ cùng nhau bảo vệ lợi ích và giá trị của châu Âu.

Tháng trước, ông Donald Trump đã cảnh báo rằng, nếu ông thắng cử, EU sẽ phải "trả giá đắt" vì không mua đủ hàng xuất khẩu của Mỹ. Không ít lần ứng cử viên của đảng Cộng hòa đe dọa tăng thuế từ 10% lên 20% đánh vào hàng của EU xuất khẩu sang Mỹ.

Nhà nghiên cứu Elvire Fabry, đặc trách về địa chính trị và thương mại tại Viện Nghiên cứu Jacques Delors, phân tích: “Tổng kim ngạch xuất khẩu của EU vào Mỹ sẽ không chỉ bị giảm mất 1/3 từ biện pháp này. Hơn thế nữa, tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng của EU sẽ gây trở ngại cho các doanh nghiệp Cựu lục địa thâm nhập vào thị trường Mỹ”.

Hôm nay, 7-11, các nhà lãnh đạo EU sẽ đến Budapest (Hungary) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu, nơi họ có thể thảo luận về cách ứng phó với những thay đổi sau chiến thắng của ông Donald Trump.

Nhiều nhà lãnh đạo lo ngại, việc ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể khiến châu Âu chia rẽ. Bởi trái ngược với thái độ thận trọng của người đứng đầu Đức, Pháp, Italia, nhiều nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, hay cực hữu tại EU như Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người bất đồng quan điểm với hầu hết các đồng cấp EU của mình, đã công khai ủng hộ nỗ lực tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump. Đầu tuần này, ông Viktor Orban đã nói rằng, châu Âu cần phải xem xét lại việc hỗ trợ Ukraine nếu ông Donald Trump giành chiến thắng.

Vui mừng trước chiến thắng của ông Donald Trump, lãnh đạo đảng cực hữu Alternative for Germany của Đức gửi thông điệp trên nền tảng X: "Đó là cuộc bỏ phiếu chống lại tình trạng di cư hàng loạt, đó là cuộc bỏ phiếu chống lại sự suy thoái kinh tế". Lãnh đạo cực hữu Geert Wilders, người đứng đầu đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền của Hà Lan, cũng đã phát biểu trên X: "Chúc mừng Tổng thống Trump! Chúc mừng nước Mỹ!”.

Trung Quốc

Theo các cam kết đưa ra trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump nói sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo các nhà kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, có khả năng gây ra sự trả đũa và làm tăng chi phí.

Hằng năm, Trung Quốc bán hàng hóa trị giá hơn 400 tỷ USD vào Mỹ. Với khả năng tái diễn cuộc chiến thương mại dưới thời ông Donald Trump, Bắc Kinh chắc chắn đã chuẩn bị cho sự cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2021, ông Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc với lý do hành vi thương mại không công bằng và an ninh quốc gia. Sau đó, hai bên liên tục tung ra những quyết định trả đũa lẫn nhau.

Trung Quốc đã phản ứng với mức thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump bằng cách tăng thuế nhập khẩu tương tự đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến các thành phần hóa học.

Brazil

Theo ông Fernando Haddad, Bộ trưởng Tài chính Brazil, chính phủ nước này đã kết thúc các cuộc thảo luận về biện pháp mới nhằm củng cố khuôn khổ tài chính, được coi là rất quan trọng để cải thiện định giá tài sản rủi ro của quốc gia, vốn bị ảnh hưởng bởi các mối quan ngại về biến động liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ.

Sau chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, đồng real của Brazil mở cửa giảm hơn 1,7% so với USD Mỹ, trong khi lãi suất dài hạn tăng vọt.

Ông Fernando Haddad nhấn mạnh rằng, các cuộc thảo luận mà Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva yêu cầu thực hiện với các bộ để xem xét biện pháp tài chính mới đã hoàn tất. "Tất cả các bộ trưởng đều nhận thức rõ về nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là củng cố khuôn khổ tài chính và bảo đảm khả năng dự đoán và tính bền vững của tài chính trong trung và dài hạn". Bộ trưởng Fernando Haddad đồng thời lưu ý rằng, căng thẳng toàn cầu đã gia tăng, được thúc đẩy bởi những phát biểu trong chiến dịch tranh cử của đại diện đảng Cộng hòa.

Iran

Các quan chức Arab và phương Tây cho rằng, ông Donald Trump có thể áp dụng lại "chính sách gây sức ép tối đa" của mình thông qua các lệnh trừng phạt gia tăng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran và trao quyền cho Israel tấn công các địa điểm hạt nhân của nước này.

Theo người phát ngôn Chính phủ Iran Fatemeh Mohajerani: "Các chính sách của chúng tôi là ổn định và không thay đổi dựa trên các cá nhân. Chúng tôi đã đưa ra những dự đoán cần thiết trước đó và sẽ không có thay đổi nào trong sinh kế của người dân".

Lực lượng Vệ binh Cách mạng không phản ứng trực tiếp với chiến thắng của ông Donald Trump nhưng cho biết, Tehran và các nhóm vũ trang đồng minh trong khu vực đã sẵn sàng đối đầu với Israel. Phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Ali Fadavi nói thêm rằng, Tehran không loại trừ khả năng Mỹ và Israel sẽ tấn công phủ đầu để ngăn chặn việc Iran trả đũa Israel.

Mexico

Những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump bao gồm thuế quan 200% đối với ô tô nhập khẩu từ Mexico, trục xuất hàng loạt người di cư bất hợp pháp và hành động quân sự mạnh mẽ của Mỹ chống lại các băng đảng ma túy, khiến Tổng thống Claudia Sheinbaum rơi vào thế khó. Mối quan hệ giữa hai nước ban đầu được dự đoán sẽ xấu đi và đồng peso sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Tổng thống Claudia Sheinbaum tin tưởng vẫn còn chỗ để đàm phán và làm dịu tác động đến lĩnh vực thương mại, di cư và an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quốc gia thận trọng sau chiến thắng của ông Donald Trump

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.