Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều phương án phòng, chống cháy rừng

Hoàng Sơn| 12/02/2023 06:48

(HNM) - Thời gian này, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều lễ hội, thu hút hàng vạn du khách tham dự. Ở những lễ hội gần hoặc trong khu vực bảo vệ rừng, chỉ một sự bất cẩn của du khách là có thể gây ra cháy rừng. Để bảo đảm an toàn cho người dân tham gia lễ hội; đồng thời phòng, chống cháy rừng, ngành kiểm lâm Hà Nội đã, đang tích cực phối hợp với chính quyền các cấp triển khai nhiều phương án bảo vệ rừng...

Lực lượng kiểm lâm huyện Sóc Sơn tuần tra, lên phương án phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Ngọc Ánh

Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao

Huyện Sóc Sơn luôn là điểm “nóng” về cháy rừng ở Hà Nội. Tháng 1-2023, các khu rừng ở huyện Sóc Sơn xảy ra 5 vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục héc ta lâm sinh. Nhận thấy nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn, nhất là trong tháng cao điểm diễn ra lễ hội Gióng dịp xuân Quý Mão, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng ứng trực, tăng cường hoạt động tuần tra tại khu vực đền Sóc, xung quanh Tượng đài Thánh Gióng và các trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách tuân thủ nội quy của Ban Tổ chức lễ hội; khi hóa vàng mã, hóa sớ… không để tàn lửa bay vào rừng. 

Tương tự, tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức), sau 2 năm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay lễ hội chùa Hương khai hội trở lại cũng kéo theo nhiều phần việc phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống cháy rừng của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức Nguyễn Văn Mạc cho biết, do chùa Hương nằm trong vùng lõi của quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn, có hơn 4.700ha rừng đặc dụng nên việc triển khai kế hoạch bảo vệ rừng có nhiều thách thức. Hơn nữa, lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng, lượng khách về trẩy hội đông, kéo theo nhiều dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ qua đêm trong rừng nên chỉ một hành động vô ý như: Cắm hương vào gốc cây, đốt vàng mã không đúng quy định hoặc vứt tàn thuốc lá vào rừng đều có thể gây cháy rừng.

Không chỉ các hoạt động lễ hội có nguy cơ gây cháy rừng, hiện tại vẫn trong cao điểm mùa khô, lượng mưa thấp nên các khu rừng của Hà Nội đang ở cấp cảnh báo nguy hiểm, rất dễ xảy ra cháy rừng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm cho biết: “Nguy cơ cháy rừng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Do đó, mỗi người dân, du khách khi tham gia lễ hội hay vào rừng trải nghiệm cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng”.

Nhiều phương án bảo vệ rừng

Để phòng, chống cháy rừng mùa lễ hội và trong năm 2023 đạt hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, Sở đã có văn bản gửi 7 huyện, thị xã có rừng và các cơ quan liên quan đề nghị thường xuyên phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng cho cán bộ, công chức và người dân, qua đó nâng cao cảnh giác, có ý thức trách nhiệm trong phòng, chống cháy rừng ở mọi lúc, mọi nơi.... Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương triển khai kịp thời văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong tình hình mới.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, mỗi khi tổ chức lễ hội đền Sóc, huyện phân công lãnh đạo trực, kịp thời phối hợp, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, Chi cục đã triển khai kế hoạch bảo vệ các khu rừng trong mùa lễ hội và thời gian tiếp theo trong năm; quyết định trưng tập một số cán bộ, công chức kiểm lâm để thành lập các tổ đội bảo vệ; đồng thời, tiếp tục phối hợp với địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống cháy rừng. Mặt khác, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội liên kết với kiểm lâm các tỉnh giáp ranh như: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam để trao đổi kinh nhiệm, xây dựng phương án tuần tra chung và phối hợp ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Ở những lễ hội lớn như: Chùa Hương, đền Sóc, đền Thượng (Ba Vì)… có nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục bổ sung lực lượng tuần tra nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những tác nhân gây nguy hiểm cho rừng.

Để nâng cao năng lực cũng như trách nhiệm bảo vệ rừng trong mùa lễ hội cũng như thời gian tới, ngành kiểm lâm đề xuất thành phố đầu tư thêm phương tiện chữa cháy và tăng nguồn kinh phí hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, lực lượng kiểm lâm, lực lượng giao khoán bảo vệ rừng ở cơ sở…; qua đó bảo đảm nguồn nhân lực đủ mạnh, yên tâm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia lễ hội, du xuân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống cháy rừng để bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều phương án phòng, chống cháy rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.