(HNM) - Biến thể mới B.1.1.529 của vi rút SARS-CoV-2 vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên Omicron. Biến thể này được các nhà khoa học quan ngại nguy cơ có thể gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể.
Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể Omicron. Người đứng đầu Hiệp hội nghiên cứu cấu trúc gen của Vương quốc Anh Sharon Peacock cho biết, nhiều khả năng biến thể Omicron sẽ xuất hiện tại Anh, song các nỗ lực để "câu giờ" và giảm lây nhiễm sẽ mang lại lợi ích.
Tại châu Á, trong nỗ lực nhằm đối phó với biến thể Omicron, Hồng Kông (Trung Quốc) thông báo từ ngày 27-11 sẽ cấm du khách không phải cư dân Hồng Kông tới từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi nhập cảnh vào vùng lãnh thổ này nếu họ từng ở những quốc gia đó trong vòng 21 ngày qua.
Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới theo ngày lần đầu tiên vượt mốc 4.000 ca. Trong 24 giờ qua, xứ Kim chi cũng có số ca tử vong vì dịch cao kỷ lục, khiến chính phủ nước này khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp giãn cách mới kể từ đầu tuần tới.
Ở Đông Nam Á, Văn phòng tổng thống Philippines cho biết, nước này đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến từ Nam Phi và các quốc gia khác có hoặc có khả năng xuất hiện ca nhiễm biến thể mới Omicron, ít nhất là tới ngày 15-12.
Tại châu Phi, Ai Cập tạm ngừng các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Nam Phi do lo ngại biến thể mới.
Tại châu Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa công bố báo cáo sơ bộ khẳng định thuốc kháng vi rút Molnupiravir do hãng Merck & Co (Mỹ) phát triển có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19, nhưng khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên sử dụng. Hiện tại, giới chức y tế Mỹ cũng khẳng định chưa ghi nhận sự hiện diện của Omicron.
Đến 23h ngày 27-11, thế giới ghi nhận 261.120.667 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5.210.331 người tử vong, 235.905.308 bệnh nhân đã bình phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.