Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nhạc sĩ vẫn say sưa với đề tài thiếu nhi

Trà Giang| 02/08/2020 06:11

(HNMCT) - Cuối tháng 7 vừa qua, Vòng chung kết Liên hoan Giai điệu Sơn ca 2020 của Đài Tiếng nói Việt Nam với chủ đề “Giai điệu tuổi thần tiên” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội. Sân chơi âm nhạc này được đánh giá là dành trọn vẹn cho thiếu nhi với những yêu cầu khắt khe về mặt chuyên môn.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Doãn Nguyên - Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam xung quanh những vấn đề của âm nhạc thiếu nhi hiện nay cũng như mô hình tổ chức sân chơi âm nhạc giàu ý nghĩa cho các em.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên.

- Thưa nhạc sĩ, các sân chơi âm nhạc thiếu nhi trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành thương hiệu, gắn với nhiều thế hệ bạn nghe đài. Theo ông, điều gì làm nên thành công của những sân chơi như vậy?

- Như các bạn đã biết, phong trào ca nhạc thiếu nhi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã chắp cánh cho rất nhiều tài năng âm nhạc của Việt Nam như nghệ sĩ Diệu Thúy, Thúy Hà, Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Anh... Trong nhiều năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức nhiều sân chơi, nhiều cuộc thi tiếng hát cho thiếu nhi, chẳng hạn cuộc thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ đã trở thành một điểm hẹn không thể thiếu với thiếu nhi cả nước trên làn sóng phát thanh vào mỗi mùa hè.

5 năm trở lại đây, Đài tổ chức Liên hoan Giai điệu Sơn ca mỗi năm thu hút hàng trăm em nhỏ tham gia, số lượng thí sinh ngày một nhiều hơn qua các kỳ liên hoan, chất lượng cũng cao hơn khiến Ban tổ chức ấm lòng, quyết tâm tổ chức thường niên và cố gắng làm tốt hơn các khâu chuẩn bị để chương trình trở thành một sân chơi âm nhạc đáng tin cậy. Theo tôi, điều làm nên thương hiệu của những sân chơi này là chúng tôi luôn đi theo một dòng riêng. Giai điệu Sơn ca thu hút đông đảo thiếu nhi đến từ các trung tâm thanh thiếu nhi, nhà thiếu nhi, đài phát thanh truyền hình trong cả nước. Đây là sân chơi lành mạnh, trong sáng, bổ ích cho thiếu nhi, khuyến khích trẻ em hát đúng với lứa tuổi các em, với giọng hát và tình cảm của các em.

- Quy định không cho các em thể hiện ca khúc dành cho người lớn có thể nói là rất hợp lý. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là hiện có quá ít những sáng tác mới dành cho thiếu nhi được các em yêu thích?

- Quy định không cho hát bài người lớn là một cách để định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho các em. Thực tế, nhiều em có giọng hát rất tốt nhưng cứ đi hát những bài người lớn, hoàn toàn không phù hợp. Về mặt kỹ thuật, âm vực của các em rất hẹp, phải hát đúng lứa tuổi thì mới có sự phát triển tự nhiên, đúng quy luật. Khi hát những bài người lớn, chắc chắn các em sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng, chưa kể đến vấn đề nội dung.

Ngoài việc phát hiện, tạo điều kiện cho các em trên con đường nghệ thuật, quy định như vậy cũng là để khích lệ cho giới nhạc sĩ chuyên và không chuyên tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi. Chúng ta thấy, nhiều năm trở lại đây, những tác phẩm cho thiếu nhi ít về số lượng và cả chất lượng, cũng một phần vì các nhạc sĩ sáng tác không có nhiều cơ hội để sử dụng. Như vậy, tạo ra sân chơi dành riêng cho các em thì với nhạc sĩ cũng là cách tạo môi trường động viên họ làm sao có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhạc sĩ có nhiều sáng tác cho thiếu nhi được các em yêu thích.

-  Qua liên hoan lần này, ông thấy xu hướng lựa chọn tác phẩm cho các em biểu diễn như thế nào?

- Các tiết mục tham gia liên hoan rất đa dạng, cả ca khúc và hòa tấu, độc tấu nhạc cụ. Các em có rất nhiều lựa chọn, có thể là hát dân ca, bài hát mới và cả những bài có tính truyền thống, đã nổi tiếng từ lâu. Tuy nhiên, theo tôi quan trọng nhất vẫn là cách thể hiện. Chẳng hạn, chúng ta khuyến khích các em hát dân ca, mang đến những giai điệu đặc trưng của vùng miền nhưng tỷ lệ, cách sử dụng như thế nào để vừa là bản sắc nhưng cũng đừng bị nhàm. Có một số đơn vị “giữ” bản sắc đến mức từ đầu đến cuối chỉ quan họ như Bắc Giang, Bắc Ninh, có những đơn vị ở miền núi phía Bắc chưa lên đã biết họ chọn dân ca gì…

Như vậy cũng sẽ tạo cho các em tư duy chọn bài mang tính khuôn mẫu. Làm sao vẫn mang đặc sắc của tỉnh, thành địa phương nhưng vẫn phải phong phú, hài hòa, hiệu quả. Còn với những bài hát đã quen thuộc thì phải có sự đầu tư về phối khí, dàn dựng chứ không thể cứ hát như cách đây 30 - 40 năm. Chúng ta phải luôn cập nhật, những tác phẩm đã ghi dấu ấn rồi thì việc dàn dựng theo lối mới, sát với thời đại là điều cực kỳ đáng khuyến khích, tiếp nối được những bài hát truyền thống nhưng đồng thời phải được các cháu đón nhận hồn nhiên, hiệu quả.

- Không có “đất dụng võ” cũng là điều mà các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi rất quan tâm. Điều đó cũng khiến cho nhiều người cảm thấy không còn mặn mà với mảng âm nhạc này, thưa ông?

- Tôi nghĩ có nhiều lý do kể cả khách quan và chủ quan nhưng đầu tiên vẫn là chủ quan đã, bởi phải yêu mới viết được, mà đã yêu rồi thì không ai bảo cũng vẫn viết. Khách quan là hiếm và ít sân chơi, đặc biệt là những sân chơi âm nhạc trong sáng, chơi một cách thực thụ chứ không phải chỉ để thu hút quảng cáo, chiêu trò… Những cuộc thi chiêu trò, lấy chuyện người lớn gán vào con trẻ đó là dành cho người lớn chứ không phải cho các cháu.

Hiểu được điều đó, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đang góp một phần để khích lệ phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Làn sóng của Đài đã chắp cánh cho rất nhiều tác phẩm đến với khán thính giả khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả tác giả trên cả nước đều có thể gửi tác phẩm của mình về Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài có một hội đồng chuyên môn nghệ thuật dàn dựng, thu thanh và phát sóng, đó là một kênh rất tốt để quảng bá tác phẩm.

Trên thực tế vẫn có nhiều tác giả rất say sưa với đề tài thiếu nhi, chẳng hạn như nhạc sĩ Trương Quang Lục có tới hơn 300 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông viết nhiều, rất nhiều ca khúc gắn với nhiều thế hệ. Hiện ông đã 87 tuổi nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Ngay trong liên hoan cũng có nhiều tác phẩm của ông được các đơn vị chọn dàn dựng. Tôi nghĩ, quan trọng là chúng ta, những người có trách nhiệm hãy nghĩ là chúng ta đang sáng tác, tạo dựng sân chơi cho con cháu của mình, từ đó mà có thêm cảm hứng, thêm sự quan tâm, trách nhiệm hơn.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nhạc sĩ vẫn say sưa với đề tài thiếu nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.