Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nguy cơ khi F1 thành F0

Thu Trang| 17/08/2020 13:24

(HNMO) - Ca mắc Covid-19 thứ 10 (nữ, 25 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) trong cộng đồng vừa được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội là F1 của bệnh nhân 962.

Trước đó, bệnh nhân 812 (nam, 63 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) cũng là F1 của bệnh nhân 447 - nhân viên quán Pizza đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy). Những ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng một lần nữa cho thấy, việc cách ly phòng dịch phải thực hiện kiên quyết và triệt để.

Trung tâm Y tế quận Đống Đa tổ chức lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người dân trên địa bàn trở về từ Đà Nẵng.

F1 là bệnh nhân tiềm tàng

Tính đến 6h ngày 17-8, Việt Nam có tổng cộng 964 ca mắc Covid-19, trong đó 336 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và 628 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng số ca mắc mới liên quan Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 488 ca.

Từ ổ dịch tại Đà Nẵng, hiện dịch đã xuất hiện tại 14 tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Nam, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Hà Nội, Thái Bình, Đồng Nai, Hà Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Quảng Trị, Hải Dương, Khánh Hòa. Không riêng gì Hà Nội mà một số tỉnh, thành phố có các ca mắc Covid-19 mới liên quan ổ dịch ở Đà Nẵng, như: Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Trị, thành phố Hồ Chí Minh... đều đã ghi nhận nhiều trường hợp lây nhiễm thứ phát, từ F1 thành F0.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Phó Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch cho biết, hiện tại Covid-19 chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán vi rút lây lan ra cộng đồng.

Đề cập việc trong số các ca mắc mới gần đây, có nhiều trường hợp là F1, Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, F1 là người tiếp xúc gần với ca bệnh (F0) và có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2. Điều này không có gì là bất thường, theo đúng cơ chế lây bệnh của vi rút. Khi F1 trở thành F0 thì những người tiếp xúc gần với F1 này cũng có nguy cơ trở thành F1. Trong đợt dịch này, đối tượng F1 và F2 rất đông. Điều đó cảnh báo, sự lây lan trong cộng đồng rất cao và mọi người cần nâng cao cảnh giác.

Đề cập vấn đề cách ly phòng dịch, theo PGS.TS Trần Như Dương, đối với các trường hợp F1, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 nên cần có sự chú ý đặc biệt hơn. Không kể tiếp xúc trong thời gian bao lâu nhưng vì đây là trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. F1 có thể được coi là những bệnh nhân tiềm tàng.

"Nếu không phát hiện nhanh, kịp thời, không tổ chức cách ly ngay mà không may để lọt F1 trong cộng đồng thì nguy cơ cao đối tượng này trở thành người bệnh, phát tán vi rút. Khi đó, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình, tiếp đến là lây lan ra nơi làm việc của họ, rồi lây lan ra cộng đồng, nơi tập trung đông người. Như vậy, dịch sẽ lan rộng, không ngăn chặn được nữa", PGS.TS Trần Như Dương cảnh báo.

Kiên quyết không được bỏ lọt F1

Để ngăn chặn dịch có hiệu quả, theo PGS.TS Trần Như Dương, việc truy vết F1 ngay sau khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố then chốt, quyết định việc chống dịch có hiệu quả hay không. Chiến lược hiện nay chống dịch tại cộng đồng, đó là "phát hiện, phát hiện và phát hiện; cách ly, cách ly và cách ly". Muốn phát hiện sớm, không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm.

Và một trong những cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết. "Chính vì vậy, việc chống dịch ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: "Truy vết F1 thần tốc". Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. Việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm", PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi, việc cách ly tại nhà hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Việc cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 có sự quản lý, theo dõi, giám sát của nhân viên y tế. Mọi người trong khu cách ly tập trung cũng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng, chống lây nhiễm chéo (nếu có).

"Phòng, chống việc lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý hay nhân viên ở các khu cách ly đó mà còn là trách nhiệm của mỗi người được cách ly. Mọi người khi đã vào khu cách ly cần thực hiện nghiêm nội quy, như: Phải ở trong phòng, không gặp gỡ ai, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác...", PGS.TS Trần Như Dương nói.

TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra khu cách ly tập trung cho người dân trở về từ Đà Nẵng tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây).

Cuộc chiến này có thành công được hay không, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, trong đó "mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ". Mỗi người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sức mạnh to lớn chống lại đại dịch Covid-19.

Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nguy cơ khi F1 thành F0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.