Tài chính

Nhiều ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng

Hà Linh 29/10/2023 11:34

Theo thông tin mới nhất, tính tới thời điểm này, có 14 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III-2023, trong đó, 2/3 tổng số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm, nhưng cũng có những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

giao-dich-vpbank-29-10.jpg
VP Bank là một trong những ngân hàng có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng

Những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III gồm các Ngân hàng TMCP: Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Quốc tế (VIB), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Á Châu (ACB), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Bưu điện Liên Việt (LPBank), Tiên Phong (TPBank), Quốc tế (VIB), Hàng hải (MSB), Sài Gòn Công thương (SaigonBank), Bắc Á (Bac A Bank)... Trong đó, các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương, gồm HDBank, ACB, VIB, MSB và SaigonBank…

Techcombank dẫn đầu lợi nhuận trong nhóm ngân hàng TMCP với 17.115 tỷ đồng, ACB đứng tiếp theo với 15.024 tỷ đồng. Đây cũng là hai ngân hàng duy nhất có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng. Tuy nhiên, mới chỉ có 14 ngân hàng công bố báo cáo tài chính, nên nhóm thương mại cổ phần có thể có thêm vài cái tên được vào nhóm lợi nhuận này.

Những ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ đồng gồm có HDBank, VIB, VPBank, MSB, TPBank, LPBank.

Có một ngân hàng báo lỗ là Ngân hàng TMCP Nam Việt và 8 ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong 9 tháng đầu năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trở lại. Trong đó, BacABank có tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 là 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với đầu năm.

Tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), nợ xấu đến cuối tháng 9 tăng lên mức 796 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3, từ 62 tỷ đồng đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng vào cuối quý III. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 436 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý III.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng từ 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21% trong quý II và 2,97% vào cuối quý III. Nợ xấu nội bảng của Saigonbank cuối quý III là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,23%. Nợ xấu nội bảng của ABBank là 4,6%, trong khi cuối năm 2022 mới chỉ 2,9%...

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, việc xử lý nợ xấu hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng gặp thách thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.