Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều lỗ hổng dễ lọt

Quỳnh Dung| 04/04/2011 06:55

(HNM) - Hiện nay, khi dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) đang diễn biến phức tạp, việc kiểm soát, vận chuyển, buôn bán, giết mổ GSGC trên địa bàn TP Hà Nội đang gặp khó khăn, các ngành chức năng mới chỉ kiểm tra được các cơ sở giết mổ tập trung, còn việc giết mổ, buôn bán nhỏ lẻ không kiểm soát nổi.

Kiểm dịch không xuể!

Hà Nội là một trong những địa phương có lượng GSGC lớn nhất cả nước (với 235.000 con trâu, bò, 1,67 triệu con lợn, 16,8 triệu con gia cầm), nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 60%. Trung bình mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 500-600 tấn sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, toàn TP mới có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và 169 điểm giết mổ quy mô từ 2-3 con/ngày được cấp phép hoạt động. Nhưng có tới 3.725 lò mổ tại các hộ gia đình, thực hiện theo phương pháp thủ công, chưa bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh.

Việc quản lý các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại các chợ vẫn còn bị thả nổi... 
Ảnh: Việt Hương

Trong khi đó, theo ông Cấn Xuân Bình - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội trong 3 tháng đầu năm, Chi cục mới chỉ xử lý 20 trường hợp vi phạm và buộc phải tiêu hủy 951 con gia cầm, 42kg thịt lợn, 5.662 thịt gia cầm, 80kg phủ tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện tại lực lượng thú y làm công tác kiểm dịch động vật chỉ có 470 cán bộ. Nếu rải hết về các chợ, chốt, điểm giết mổ cũng khó có thể làm một khối lượng công việc lớn nên việc kiểm soát giết mổ GSGC vẫn chưa được hiệu quả. Theo đúng quy trình, kiểm soát giết mổ phải kiểm tra lâm sàng, khám sống sau đó mới đến công đoạn giết mổ và kiểm tra thịt ngay tại lò mổ, đóng dấu mới được đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng việc này chỉ thực hiện với cơ sở được cấp phép hoạt động, còn lại các điểm giết mổ hộ gia đình mới làm được ở khâu cuối cùng là sản phẩm GSGC. Khi thực phẩm sau giết mổ đưa về các chợ, cán bộ thú y kiểm tra bằng cảm quan là chính và đóng dấu ngay tại chợ. Sản phẩm đó có an toàn dịch bệnh hay không cũng khó phát hiện vì đã bỏ qua một số công đoạn và quan trọng nhất là nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, Hà Nội có 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành, duy trì hoạt động 24/24h nhưng chỉ kiểm tra được các xe vận chuyển đi qua đường chính, còn lại đường ngang, ngõ tắt không kiểm soát được.

Gỡ bằng cách nào?

Ông Nguyễn Huy Đăng Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, nhu cầu hằng ngày của TP là rất lớn nên không thể áp dụng ngay các biện pháp hành chính máy móc như cấm lưu thông, giết mổ GSGC trong khu dân cư… Thay vào đó, Hà Nội cần có lộ trình dài hơi, xây dựng, quy hoạch các khu giết mổ GSGC tập trung quy mô tại các huyện ngoại thành. Các địa phương cần lập hồ sơ quản lý các hộ giết mổ nhỏ lẻ, tập hợp lại thành nhóm, Nhà nước hỗ trợ vốn, mặt bằng… thay vì thả nổi các đối tượng này như hiện nay.

Thực tế cho thấy, các chốt kiểm dịch chỉ phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn các xe chuyên chở hàng lậu, không rõ nguồn gốc với số lượng lớn. Còn đội ngũ vận chuyển nhỏ lẻ, buôn bán tại các chợ đều bị bỏ lọt. Để công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển GSGC đạt kết quả cao, Hà Nội cần phân rõ trách nhiệm quản lý cho một đơn vị. Công tác quản lý, kiểm soát giết mổ, vận chuyển GSGC phải làm đồng bộ, thường xuyên từ cơ sở giết mổ đến kênh phân phối lưu thông trên thị trường. Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, phối hợp với ban quản lý các chợ tăng cường quản lý ở khâu lưu thông…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lỗ hổng dễ lọt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.