(HNMO) - Trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ban soạn thảo các dự thảo luật tiếp nhận nhiều kiến nghị liên quan đến các quy định về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Với dự thảo Luật BHXH sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần còn một số bất cập. Bởi vì, ngày 22-6-2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động. Nghị quyết này cho phép người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH, mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, được nhận BHXH một lần nếu có yêu cầu.
Trong khi đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện…”, đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng, mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ ít cơ hội hưởng BHXH một lần.
Hơn nữa, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, cả hai phương án về BHXH một lần được đưa ra tại dự thảo vẫn quy định điều kiện hưởng là người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm là chưa phù hợp…
Do đó, nhiều ý kiến thống nhất kiến nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần thống nhất các quy định tại dự thảo Luật cũng như với các quy định khác liên quan; đồng thời, đánh giá rõ ưu điểm, nhược điểm, tác động kinh tế, tác động xã hội của 2 phương án rút BHXH một lần đối với người lao động, Quỹ BHXH và xã hội.
Cũng liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần, nhiều ý kiến phản ánh, hiện có những tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định cho phép ủy quyền nhận trợ cấp BHXH để lôi kéo người lao động mua, bán, cầm cố sổ BHXH với giá thấp, sau đó làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần nhằm trục lợi, gây thiệt hại cho nhiều phía. Để khắc phục, dự thảo Luật BHXH sửa đổi nên bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH”.
Cũng liên quan đến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến kiến nghị bổ sung quy định về hoán đổi số năm đóng thừa BHXH cho trường hợp thừa số năm đóng, nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu, tạo điều kiện cho người lao động được hưởng lương hưu sớm. Luật BHXH hiện hành quy định, lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH, nữ đóng đủ 30 năm BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu, thì người lao động mới được hưởng lương hưu tỷ lệ tối đa bằng 75%. Trong khi trên thực tế, nhiều người lao động đi làm và tham gia BHXH sớm, đến nay đã thừa số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu mức cao nhất, nhưng lại thiếu tuổi hưu, khiến họ nhận mức lương thấp.
Với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một tháng trở lên. Cùng với đó là nhóm lao động là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia BHXH bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Lý do là dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến các nhóm lao động này, cho nên các quy định cần có sự thống nhất, đồng bộ, làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị chức năng dễ dàng triển khai các chính sách, tránh tình trạng các quy định của pháp luật chưa ban hành đã bộc lộ mâu thuẫn, bất cập.
Hiện, các dự thảo Luật tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi để từng bước hoàn thiện, hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền lợi tối đa cho các bên, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.