Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách

Nhóm PV Nông nghiệp| 09/08/2021 18:19

(HNMO) - Các huyện ngoại thành đã có nhiều hoạt động hữu hiệu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội.

Đoàn Thanh niên huyện Phúc Thọ hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, huyện có hơn 100ha rau màu đang vào vụ thu hoạch. Để tạo thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản, mỗi vùng rau huyện thiết lập một “luồng xanh” bằng cách bố trí cho một lượng người nhất định vận chuyển rau đi tiêu thụ theo ngày. Những người này đều được kiểm tra dịch tễ, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng dịch. Còn các hộ dân làm nghề ấp nở gia cầm tại các xã: Đại Xuyên, Phúc Tiến, Phú Yên (trung bình xuất ra thị trường khoảng 2 triệu con gia cầm/lứa) được phép vận chuyển gia cầm giống ra các chốt kiểm dịch giáp ranh để chuyển cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ.

“Từ việc điều tiết, luân chuyển tại chỗ này, nhiều loại rau ăn lá và gia cầm giống trên địa bàn huyện đã được tiêu thụ ổn định…”, ông Lê Tiến Xuân nhận định.

Nông dân huyện Phúc Thọ cũng đã tiêu thụ được hàng trăm tấn hoa quả, nông sản như: Nhãn, ổi, rau, củ… Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Hoàng Ngọc Thanh cho biết: “Chúng tôi đã liên kết với Đoàn thanh niên các quận và đăng ký “luồng xanh” cho xe tải, hằng ngày chở từ 7 đến 10 tấn rau, củ, quả vào các điểm bán hàng đã được đăng ký sẵn để tiêu thụ”.

Xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì hỗ trợ nông dân tiêu thụ rau vào vụ thu hoạch.

Tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát đã phối hợp với chính quyền địa phương thu mua nông sản cho nông dân. Theo chị Ngô Thị Như ở thôn 2, xã Yên Mỹ, từ ngày 1-8 đến nay, UBND xã đã triển khai chương trình thu mua nông sản cho nông dân với giá ổn định.

Là người trực tiếp hỗ trợ nông dân, bà Trần Thị Thoa, Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Yên Mỹ cho biết, ước tính mỗi ngày, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát tiêu thụ cho bà con khoảng 500kg rau, củ, quả và khoảng 3.000 - 5.000 bắp ngô, chưa kể các loại quả như nhãn, chuối, ổi… “Để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, hằng ngày, căn cứ lượng tiêu thụ của Hợp tác xã, chúng tôi sẽ thông báo lượng nông sản cần thu mua để các hộ thu hoạch. Đồng thời, cũng lưu ý các hộ dân không thu hoạch đại trà để bảo đảm việc điều tiết hợp lý”, bà Trần Thị Thoa nói.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 140ha rau an toàn, trong đó, 106ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc… Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện chủ động liên hệ và hướng dẫn các xã, hợp tác xã, hộ sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị phân phối như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, Công ty Hưng Gia, Công ty cổ phần Davicorp Việt Nam. Cùng với việc duy trì vùng sản xuất rau an toàn, huyện hỗ trợ kinh phí mua phân hữu cơ thế hệ mới cho các hộ sản xuất tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, bảo đảm nguồn cung rau sạch cho thị trường.

Hội Nông dân huyện Hoài Đức hỗ trợ nông dân các xã tiêu thụ nông sản trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tương tự, huyện Hoài Đức thành lập tổ chỉ đạo, tổ điều phối (cung-cầu) các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hằng ngày, các xã sẽ báo cáo loại, số lượng sản phẩm nông sản cần tiêu thụ, cần mua, để tổ điều phối huyện sắp xếp, hỗ trợ. Điển hình, từ ngày 8 đến 9-8, các xã: Vân Côn, Tiền Yên, Đông La, Song Phương, Cát Quế, Minh Khai đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện hơn 9,8 tấn rau các loại, hơn 6 tấn củ, quả; 17.200 quả trứng gà; 47.600 quả trứng cút...

Lãnh đạo huyện Quốc Oai kiểm tra vùng trồng nhãn chín muộn xã Đại Thành để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ.

Trong khi đó, huyện Quốc Oai đã kết nối với 15 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn thành phố, hằng ngày bố trí 2-3 xe chở nông sản đi tiêu thụ. Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp chế biến và các tổ chức, cá nhân để tiêu thụ nông sản và cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn. 

Về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường đánh giá cao sự chủ động của các quận, huyện, thị xã trong xây dựng các phương án, kịch bản, chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các trung tâm, chi cục, bố trí trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin về khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ, không để ùn ứ hay khan hiếm nông sản trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.