(HNMO) - Giới chuyên môn dự báo sản lượng ô tô toàn cầu năm 2022 sẽ hao hụt ít nhất 1,5 triệu xe do xung đột nổ ra tại Ukraine.
Porsche trở thành cái tên mới nhất công bố tạm dừng việc sản xuất các mẫu xe ăn khách nhất của mình là Macan và Panamera tại nhà máy chính ở đại bản doanh Leipzig (Đức), do thiếu linh kiện. Tình hình tại Ukraine đã khiến thương hiệu xe thể thao hạng sang này bị cắt đứt nguồn nhập dây điện, đồng nghĩa việc hoàn thiện sản phẩm trở nên bất khả thi. Như thế, khách hàng tại nhiều khu vực trên thế giới phải chờ đợi trước khi có thể nhận được chiếc Porsche mơ ước.
Cùng với Porsche, việc sản xuất của Mercedes-Benz, Volkswagen, Audi, Skoda… đều đình trệ. Do thiếu vật tư từ Ukraine, Volkswagen phải tạm dừng hai nhà máy ở phía Đông nước Đức, trong đó có nhà máy Zwickau chuyên lắp ráp xe điện ID.4. Mercedes-Benz cũng phải cắt giảm sản lượng tại nhiều nhà máy trên khắp châu Âu trong tuần này. Hãng xe sang hàng đầu thế giới cho biết, đang làm việc với các nhà cung ứng để tìm nguồn cung thay thế.
Về phần mình, BMW đã tạm dừng hoạt động tại nhà máy chính ở Dingolfing (Đức). Theo Phát ngôn viên của hãng xe xứ Bavaria, các dây chuyền tại đây xuất xưởng khoảng 1.600 xe mỗi ngày, bao gồm các dòng sedan cao cấp Series 5/7/8. Cùng với đó, nhà máy BMW tại Munich, nhà máy Mini (hiện thuộc BMW) tại Hà Lan và Anh, cũng sẽ dừng nhiều quãng ngắn do thiếu linh kiện liên quan tới chiến sự Ukraine.
Ukraine là một trong những nguồn cung ứng vật tư quan trọng của ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là cho các nhà máy tại châu Âu. Một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang vận hành các dây chuyền sản xuất tại quốc gia Đông Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng có thể kể tới như Leoni AG (Đức), Fujikura (Nhật Bản), Aptiv (Đan Mạch), Nexans SA (Pháp)… Ngoài dây điện, Ukraine cũng là nơi xuất khẩu khí neon phục vụ sản xuất vi chip, palladium phục vụ sản xuất bộ trung hoà khí thải, quặng nikel cho pin lithium-ion… Trong khi đó, Nga là nhà xuất khẩu nhôm lớn nhất thế giới. Đây là nguyên liệu quan trọng để chế tạo khung, gầm, vỏ ô tô.
Bên cạnh khó khăn nguồn cung, một số nhà máy tại Nga của các hãng ô tô lớn cũng phải tạm dừng các dây chuyền lắp ráp. Trong số này có nhà máy của Toyota và Hyundai tại thành phố St. Petersburg; nhà máy của Mercedes-Benz nằm gần Mátxcơva; nhà máy của Skoda (thuộc Volkswagen) tại Nizhny Novgorod và Kaluga… Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các nhà máy của Great Wall và Chery (Trung Quốc) tại Xứ Bạch dương.
Bên cạnh những khó khăn liên quan tới vật tư, chi phí mà các nhà sản xuất ô tô phải gánh còn tăng cao do các tuyến vận chuyển – đặc biệt là đường hàng không – giờ đây trở nên dài và vòng vèo hơn.
Những bất cập mới nảy sinh khiến hoạt động sản xuất ô tô trên toàn cầu – vốn đã chật vật với tình trạng thiếu linh kiện suốt năm 2021 - càng trở nên vất vả. Theo ước tính ban đầu, sản lượng ô tô toàn cầu sẽ hao hụt khoảng 1,5 triệu xe – tương đương 2% so với mức sản lượng 84,2 triệu xe theo dự báo do hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit đưa ra trước khi xảy ra tình hình ở Ukraine.
Ở kịch bản xấu nhất, mức hao hụt có thể lên tới 3 triệu xe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.