Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tại Sơn Tây

Hoàng Thanh| 12/05/2023 07:08

(HNM) - Những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được thị xã Sơn Tây quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc, các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây kiểm tra an toàn thực phẩm tại một quán ăn trên địa bàn.

Quản lý chặt các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm

Thị xã Sơn Tây hiện có 1.680 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, 4 siêu thị, 11 chợ. Trong đó có 475 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực công thương; 503 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 702 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế… Thị xã có hơn 2.100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn hơn 1,1 triệu con, sản lượng trung bình 1.800 tấn/tháng; 29 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với sản lượng giết mổ bình quân 995 tấn/tháng.

Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 và thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, ngay từ đầu năm, Phòng Y tế thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm trong nhân dân, cách phòng, chống dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua đường thực phẩm. 15/15 xã, phường đã xây dựng và triển khai kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Thị xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như hệ thống Đài Truyền thanh thị xã, Trang thông tin điện tử thị xã, các đài truyền thanh xã, phường; phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện, các kiến thức về an toàn thực phẩm, thông điệp tháng hành động năm 2023 tới các nhóm đối tượng người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay, thị xã đã kiểm tra, giám sát 496 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xét nghiệm nhanh 1.553 mẫu thực phẩm. Qua đó, lực lượng chức năng của thị xã và các xã, phường đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền hơn 17 triệu đồng; cấp thị xã xử phạt 7 cơ sở, cấp xã, phường xử phạt 2 cơ sở. Bên cạnh đó, thị xã cũng duy trì mô hình điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 9 phường và mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố tại 15 xã, phường…

Thực hiện chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5, thị xã đã triển khai nhiều hoạt động, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, như: Tổ chức chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng thông tin, từ đầu năm đến nay, thị xã Sơn Tây đã tổ chức 2 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các xã, phường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở dịch vụ ăn uống đã được phân cấp trên địa bàn; tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thị xã; tổ chức lấy mẫu rau, quả để kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

Cùng với đó, lực lượng chức năng thị xã tăng cường kiểm tra thú y, kiểm dịch gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn và việc vận chuyển vào thị xã; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trong đàn gia súc, gia cầm, không để lây sang người; yêu cầu các nhà trường có bếp ăn tập thể thực hiện bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo đúng quy định và tuyên truyền cho học sinh biết cách ăn uống hợp vệ sinh, cách phòng, chống dịch bệnh đường tiêu hóa.

Đồng thời, thị xã công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Từ đó phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tại Sơn Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.