(HNMO) - Sáng 16-2, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30-11-2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 99). Hội nghị với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã triển khai chuyên đề của Bộ Tư pháp về một số nội dung mới, cơ bản trong quy định của Nghị định 99 và công tác triển khai thi hành Nghị định.
Nghị định 99 gồm 5 chương và 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2023, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1-9-2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 102). So với Nghị định 102, Nghị định 99 bổ sung mới 12 điều, bãi bỏ 9 điều, kế thừa theo hướng sửa đổi nội dung và kỹ thuật văn bản của 61 điều; bên cạnh đó, bổ sung Phụ lục về các biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.
Mục tiêu của Nghị định 99 nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời, nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thông tin tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, về cơ bản Nghị định 99 vẫn giữ một số nội dung của Nghị định 102, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19-3-2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, các bộ, ngành chức năng và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng nắm bắt các nội dung, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị định; ghi nhận và phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để tiếp tục tập huấn, đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.