Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm

Hương Thủy| 15/09/2022 16:35

(HNMO) - Bộ Tài chính, chiều 15-9, đã tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15. Luật Kinh doanh bảo hiểm 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, gồm 7 chương, 157 điều. Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Nguyễn Quang Huyền cho biết, có nhiều điểm mới tại Luật này.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền thông tin tại buổi họp báo.

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung để thực hiện cam kết của Việt Nam. Tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30-6-2019, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực. Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm, theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. Do đó, để bảo đảm rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Luật cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua. Trong đó, về bảo hiểm bắt buộc, sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát… Luật cũng bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô...

Làm rõ hơn về bảo hiểm vi mô, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, đây là sản phẩm bảo hiểm được thiết kế theo hướng đơn giản, có nhu cầu cơ bản, phí bảo hiểm thấp nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Luật cho phép tổ chức cung cấp sản phẩm là doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ.

Nói về vai trò của thị trường bảo hiểm với nền kinh tế, ông Nguyễn Quang Huyền thông tin, đến hết tháng 8-2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 645 nghìn tỷ đồng, cho thấy thị trường bảo hiểm là kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, góp phần ổn định chính sách kinh tế vĩ mô.

Trả lời báo chí về việc theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không được đầu tư bất động sản nhưng doanh nghiệp không sử dụng hết trụ sở có thể cho thuê; những doanh nghiệp đã đầu tư bất động sản thực hiện quy định mới như thế nào và cơ chế kiểm soát doanh nghiệp bảo hiểm không lách luật để đầu tư vào bất động sản, ông Nguyễn Quang Huyền cho hay, doanh nghiệp sẽ có lộ trình, thời gian là 5 năm, để cơ cấu các khoản theo quy định mới. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện hậu kiểm với doanh nghiệp qua báo cáo tài chính và thanh tra tại chỗ, qua thanh tra, sẽ phát hiện doanh nghiệp có vi phạm hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.