Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều “điểm đến” để lựa chọn

Quỳnh Phạm| 17/11/2011 07:02

(HNM) - Không đặt kỳ vọng cao vào chất lượng nền giáo dục ĐH nước nhà, ngày càng nhiều phụ huynh có xu hướng lựa chọn con đường du học tự túc cho con em mình. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế ảm đạm cùng sự thay đổi chính sách cho sinh viên nước ngoài ở nhiều thị trường du học đang khiến họ phải cân nhắc nhiều hơn.

Đa dạng chi phí

Theo các chuyên gia tư vấn giáo dục, trong khoảng 5-7 năm gần đây, việc du học tự túc thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Theo bà Trần Thị Dần, Giám đốc Công ty Sunrise Việt Nam, chính sách mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi của nước ta trong hợp tác giáo dục và văn hóa quốc tế là những tác nhân tích cực làm tăng lượng học sinh Việt Nam đi du học theo nhiều hình thức khác nhau. Hơn nữa, hầu như các nước đều có chính sách và điều kiện visa cho sinh viên rất rõ ràng, nên với những học sinh có mục đích du học thực sự và có đủ điều kiện nhập học thì tỷ lệ đạt visa rất cao, tới 99,9%. Tuy nhiên, bà Trần Thị Dần cũng cho biết, do hiện nay nền kinh tế Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn, nên trong 2 năm trở lại đây, số du học sinh diện tự túc đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Một số công ty tư vấn du học có tiếng cho biết lượng hồ sơ đăng ký du học mỗi năm đã giảm từ 20% tới 50% so với trước năm 2009. Ngoài ra, nhiều người có ý định đi học nước ngoài đã chùn bước khi thấy không ít sinh viên phải trở về Việt Nam với một trong những lý do quan trọng là không trang trải nổi chi phí.

Học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin du học tại Mỹ.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận từ một số đơn vị tư vấn du học, khó khăn về tài chính chỉ ảnh hưởng tới một thị phần khách hàng nhất định, chẳng hạn những gia đình phất lên nhờ đầu tư bất động sản và chứng khoán. Còn với đối tượng khách hàng có tiềm lực tài chính vững chắc, xu hướng cho con du học nước ngoài vẫn tăng mạnh. Thị trường du học mà họ hướng tới chủ yếu là các nước Mỹ và Anh. Theo ông Mark Ashwill, Giám đốc điều hành Capstone Việt Nam, về khía cạnh tài chính, Mỹ vẫn là nước có sức hấp dẫn với du học sinh tự túc bởi có nhiều sự lựa chọn về chi phí. Ông Ashwill đưa ra con số dao động từ 17.000 USD tới 50.000 USD cho một năm học. Ngoài ra, những trường hợp không cáng đáng được 4 năm học phí thì có thể học 2 năm đầu tại một trường CĐ cộng đồng, giúp tiết kiệm được từ 14.000 đến 35.000 USD. Những SV có thành tích tốt sẽ có cơ hội nhận được học bổng ở các trường ĐH công và tư khác.

Theo thông tin từ một triển lãm du học Anh gần đây, kết quả nghiên cứu của Tổ chức quốc tế về giáo dục ĐH và sau ĐH của Vương quốc Anh cho thấy: Học phí của nhiều trường ĐH tại Anh, vốn được coi là quá tầm với của nhiều gia đình Việt Nam, vẫn thấp hơn ở Mỹ và Australia. Ví dụ, học phí tại một trường ở Australia, bậc ĐH ngành lịch sử là 16.000 bảng Anh/năm, trong khi mức học phí cho khóa học đó tại ĐH Oxford là 12.000 bảng Anh/năm. Chi phí sinh hoạt ở Anh cũng thấp hơn tại Australia. Cụ thể, sinh viên quốc tế xin visa Anh cần chứng minh từ 8.800 đến 11.700 USD cho sinh hoạt phí, trong khi đó đối với Australia là 19.000 USD.

Khắt khe cũng là động lực

Bên cạnh những khó khăn về tài chính, việc một số nước siết chặt chính sách nhập cư đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự gia tăng lượng du học sinh. Từ năm 2008, Chính phủ Mỹ siết lại việc tiếp nhận du học sinh. Điều 214b Luật Di trú của Mỹ quy định bất kỳ một đương đơn nào xin vào Mỹ với bất kỳ mục đích nào đều được xem là có ý định ở lại nước này. Điều này khiến visa du học không dễ dàng được chấp nhận và nhiều khi mang tính may rủi. Bởi, người đi học phải chứng minh được rằng không có mục đích di dân, người phỏng vấn lại có toàn quyền quyết định một cách cảm tính.

Tại Anh, sau một khảo sát cho thấy có tới 1/5 số du học sinh nước ngoài vẫn ở lại Anh trong khoảng 5 năm sau khi được cấp thị thực. Do vậy, nước này đã đưa ra những biện pháp kiểm soát nhập cư rất khắt khe để đưa con số người nhập cư mỗi năm từ hàng trăm nghìn xuống hàng chục nghìn người. Theo đó, sinh viên đăng ký học các khóa học ở bậc ĐH hoặc cao hơn ở Vương quốc Anh phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu ở mức B2 theo Khung đánh giá trình độ ngôn ngữ của Cộng đồng chung châu Âu (CEFR) - tương đương với tối thiểu 5,5 IELTS. Ở các khóa dự bị ĐH hoặc các khóa bổ sung kiến thức trước kỳ nhập học, người học phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu ở mức B1 (tương đương với tối thiểu 4,0 IELTS). Ngoài ra, chỉ những sinh viên theo học tại các trường ĐH và CĐ công lập mới được phép làm thêm. Tuy nhiên, một đại diện của Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge tại Việt Nam lại nhìn nhận sự khắt khe này như một động lực khiến cho người sắp du học chuẩn bị hành trang kỹ càng hơn. Ngoài ra, quy định về trình độ tiếng Anh nói trên không phải là cản trở lớn với phần đông du học sinh Việt Nam có ý định học tập nghiêm túc.

Bà Trần Thị Dần, Giám đốc Công ty Sunrise Việt Nam, cũng cho biết: Đầu năm 2010, Chính phủ Australia có thay đổi chính sách đối với visa sinh viên đi du học bậc CĐ từ Level 2 xuống Level 3 (với các quy định về hồ sơ khó hơn) đồng thời tỷ giá đồng đôla nước sở tại tăng mạnh khiến cho tổng chi phí du học tăng cao. Lượng du học sinh Việt Nam vào Australia đã bị ảnh hưởng đáng kể. Tổng giá trị doanh thu từ sinh viên quốc tế đã giảm từ 18 xuống 16,4 tỷ đôla Australia. Tuy nhiên, đến tháng 9-2011, dưới sức ép của các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp không khói này, Chính phủ Australia đã chính thức thông báo một số thay đổi trong chính sách visa sinh viên, nới lỏng điều kiện về tài chính cũng như điều kiện về chứng chỉ tiếng Anh. Trước đây chỉ có chứng chỉ IELTS được công nhận thì nay đã có thêm cả chứng chỉ TOEFL iBT, PTE Academic, CAE.

Mặc dù gặp một số khó khăn, song theo ông Mark Ashwill, Capstone Việt Nam, du học sinh Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội.

Ngoài ra, những người có ý định du học còn có thêm nhiều điểm đến trong khu vực, mang tính cạnh tranh cao để cân nhắc như các trường ĐH của Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều “điểm đến” để lựa chọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.