(HNM) - Khi cánh cửa nguyện vọng 1 đã khép lại với nhiều thí sinh (TS) thì cũng là lúc cuộc đua tìm kiếm một chỗ học bằng nguyện vọng bổ sung bắt đầu. Mặc dù số chỉ tiêu còn lại khá lớn song nếu không tỉnh táo và cân nhắc kỹ, TS vẫn có thể tuột mất cơ hội bước vào cổng trường đại học.
Thận trọng tìm "bến đỗ" an toàn
Rõ ràng những quy định mới về xét tuyển năm nay hứa hẹn đem tới cho TS nhiều lợi thế. Tuy nhiên, trong lần đầu áp dụng, những quy định mới này cũng có thể khiến nhiều người bối rối. Thay vì có các mốc thời gian xét tuyển nguyện vọng 2, 3 cố định như các năm trước, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ quy định thời gian xét tuyển sau nguyện vọng 1 đến hết ngày 30-11. Như vậy, các trường khó tuyển sẽ được linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận hồ sơ của TS. Tuy nhiên, đối với các trường từ nhóm giữa trở lên, vốn không mất nhiều thời gian để tuyển đủ chỉ tiêu, công việc tuyển sinh sẽ có xu hướng rút ngắn lại để chuẩn bị cho công tác đào tạo. Vì vậy, các chuyên gia khuyên TS lưu ý thời hạn kết thúc xét tuyển của từng trường để không bị mất cơ hội. Nhiều trường công lập có xét tuyển nguyện vọng bổ sung chỉ cho phép nộp hồ sơ tới ngày 31-8.
TS cũng cần để ý tới quy định riêng của từng trường về việc yêu cầu nộp bản chính phiếu điểm có dấu đỏ hay chấp nhận bản photo. TS nên truy cập trang web của các trường để nắm rõ những chi tiết quan trọng nói trên.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), mặc dù có thể rút hồ sơ nhiều lần để vào được ngành phù hợp, TS vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ thay vì rút ra, nộp lại nhiều lần, gây mất thời gian, lại ảnh hưởng không tốt tới tâm lý.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng đưa ra lời khuyên, với các trường công lập, nếu TS có điểm thi chỉ bằng điểm xét tuyển, chỉ tiêu còn lại của trường không cao thì khả năng trượt nguyện vọng bổ sung là rất lớn. Vì vậy, sẽ an toàn hơn nếu có điểm cao hơn từ 0,5 - 1 điểm so với điểm xét tuyển của trường. Với các TS có điểm thi chỉ bằng điểm sàn, "bến đỗ" an toàn nhất là các ĐH vùng, các trường ngoài công lập, có chỉ tiêu xét tuyển lớn.
Dưới điểm sàn vẫn còn cơ hội
Với những TS có điểm thi dưới điểm sàn và cầm chắc nằm ngoài cuộc đua xét tuyển, cơ hội được học và chọn cho mình một ngành nghề phù hợp vẫn rộng mở ở các hình thức đào tạo khác. Nhiều trường ĐH có các chương trình liên kết với nước ngoài, xét tuyển TS đã tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, các chương trình này thường yêu cầu cao về trình độ đầu vào tiếng Anh hoặc có mức học phí tương đương... đi du học.
Theo ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội: TS cần xác định mục đích của việc học là để trang bị nền tảng kiến thức cho công việc tương lai, dù là học ĐH hay CĐ. Bởi vậy, với những ai có điểm thi dưới mức điểm sàn ĐH thì việc đăng ký vào CĐ vẫn bảo đảm việc được học tập ngay, lại có cơ hội học liên thông lên ĐH. Đây là một lựa chọn tốt nếu điều kiện tài chính của gia đình không đủ để theo học các chương trình ĐH khác.
Hệ thống hơn 120 trường CĐ nghề trên cả nước cũng đem lại nhiều lựa chọn cho đối tượng này. Chỉ cần tốt nghiệp THPT là TS có thể đăng ký xét tuyển, thậm chí TS có tổng điểm thi ĐH 3 môn trên 8 đã được tuyển thẳng. Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng khẳng định: Ngoài cánh cửa trường ĐH hay CĐ, còn rất nhiều con đường khác giúp TS có nghề để lập thân, lập nghiệp. Các em có thể theo học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề. Khi các em vững nghề rất dễ kiếm việc làm ổn định và hoàn toàn có thể theo đuổi giấc mơ ĐH sau khi đã đi làm và có cơ sở tài chính vững chắc. Ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết, số lượng trường trung cấp chuyên nghiệp là 581, tổng số học sinh của hệ này có trên 673 nghìn. Lợi thế của hệ đào tạo này là thiên về thực hành với 75% chương trình học là thực hành, 25% chương trình dành cho học lý thuyết. Do đó, chỉ sau hai năm, học sinh có thể ra trường, đi làm. Sau khi tốt nghiệp, các em cũng có thể theo học các chương trình đào tạo liên thông để lấy bằng CĐ, ĐH. Hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề đều không thi mà chỉ xét tuyển. Cách xét tuyển cũng rất đa dạng, có thể theo học bạ, theo kết quả thi tuyển sinh kỳ thi ĐH, CĐ... Ở bậc đào tạo này, có những ngành học hiện xã hội đang có nhu cầu lớn như cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin, khoa học ứng dụng, y sĩ, dược, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý đất đai...
Đây là thời điểm các TS đang đứng trước bước ngoặt lớn của cuộc đời và có thành công hay không phụ thuộc vào sự tỉnh táo và khôn ngoan của họ trong việc tìm con đường phù hợp với khả năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.