Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cơ hội, không ít khó khăn

Thống Nhất| 31/08/2017 06:39

(HNM) - Quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã thu hút sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là đội ngũ giáo viên.


Siết điều kiện dự thi

Theo Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 18-8-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập, có hiệu lực từ ngày 3-10-2017. So với quy định hiện hành tại Thông tư 34/2010/TT-BGDĐT, Thông tư mới nêu rõ các yêu cầu bắt buộc đối với 3 nhóm đối tượng giáo viên: Từ hạng II lên hạng I, hạng III lên hạng II và hạng IV lên hạng III.

Theo đó, người tham dự kỳ thi, dù ở nhóm đối tượng nào, đều phải thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn, tin học và ngoại ngữ. Hình thức và nội dung, yêu cầu kiến thức, thời gian làm bài thi của từng môn cũng được công bố công khai.

Quy định mới về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập mở ra nhiều cơ hội cho đội ngũ giáo viên. Ảnh: Nhật Nam


Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào Thông tư quy định nghiêm khắc đối với giáo viên nếu không đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc thiếu nghiêm túc. Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh: Nếu giáo viên được cử đi bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp dự thi mà không tham gia khóa bồi dưỡng, hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì không được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp, nếu trúng tuyển, cũng không được bảo lưu kết quả kỳ thi.

Ghi nhận ban đầu tại các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết giáo viên đều đồng tình với chủ trương này và hy vọng quy định khắt khe đó sẽ tạo “sân chơi” bình đẳng, minh bạch cho những người có nguyện vọng, đủ điều kiện, đồng thời tránh được những hành vi tiêu cực. “Việc siết chặt điều kiện để được thi thăng hạng với các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, chấp hành kỷ luật và phải có 3 năm liên tục được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên như quy định mới là cần thiết” - cô giáo Lê Thị Liên (Trường Mầm non Bát Tràng, huyện Gia Lâm) chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), điểm khác biệt của Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT là không quy định cụ thể đơn vị tổ chức kỳ thi, còn quy định hiện hành xác định “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức thi nâng ngạch giáo viên...”. Kỳ thi thăng hạng gần nhất đã được tổ chức cách đây 5 năm, vì vậy, hầu hết giáo viên các đơn vị khá nóng ruột chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này...

Lo ngại với môn ngoại ngữ

Đây không phải lần đầu tiên ngoại ngữ được quy định là môn thi bắt buộc trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tuy nhiên, những yêu cầu về trình độ năng lực của môn này lại khiến không ít giáo viên lo lắng, thậm chí cho rằng khó khả thi. Cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh (Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy) cho rằng, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trong Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT khá khác biệt so với trình độ thực tế của nhiều giáo viên hiện nay. Ngoại trừ giáo viên ngoại ngữ, phần lớn giáo viên thường tập trung đầu tư cho chuyên môn, rất hiếm khi sử dụng ngoại ngữ. Trong khi đó, đặc thù của ngoại ngữ là nếu không sử dụng thường xuyên thì dù có giỏi kiến thức cũng sẽ bị mai một.

Một số giáo viên toán cấp THPT dẫn chứng: Theo quy định tại Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT, để được thăng hạng II lên hạng I, giáo viên phải làm bài kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Đây là yêu cầu tương đương yêu cầu tốt nghiệp trình độ thạc sĩ.

Trong khi đó, chỉ những giáo viên học thạc sĩ trong 3 năm gần đây mới có chứng chỉ ngoại ngữ, những người đã học trước đó nay muốn được dự thi lại phải đi học ngoại ngữ, nếu không sẽ mất cơ hội. Thực tế này có thể dẫn đến hiện tượng tiêu cực như mua chứng chỉ... Chưa kể không ít giáo viên cho rằng quy định về môn ngoại ngữ trong Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT còn làm khó những giáo viên lớn tuổi.

Bà Trần Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho rằng, để việc thi thăng hạng đạt kết quả thực chất, việc thăng hạng chỉ nên là khuyến khích, nếu bắt buộc có thể xảy ra hiện tượng tiêu cực, gian lận về bằng cấp, chứng chỉ. Riêng việc học ngoại ngữ, công tác tổ chức học tập, bồi dưỡng cho giáo viên dự thi cần phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc giám sát, tránh việc để giáo viên tự đăng ký học ở các trung tâm không có uy tín, khó kiểm soát về chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cơ hội, không ít khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.