Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cái được

ANHTHU| 02/12/2005 09:24

Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về mắt và bị cận thị ngày càng tăng. Ngoài nguyên nhân do bàn ghế, bảng không phù hợp, không tận dụng được ánh sáng tự nhiên, tư thế ngồi học không đúng cách, chế độ dinh dưỡng không bảo đảm… còn một nguyên nhân quan trọng là chiếu sáng học đường không đủ, không hợp lý.

Tương lai không xa, 100% trường học của thành phố sẽ được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng chuẩn Ảnh: Huyền Linh

Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về mắt và bị cận thị ngày càng tăng. Ngoài nguyên nhân do bàn ghế, bảng không phù hợp, không tận dụng được ánh sáng tự nhiên, tư thế ngồi học không đúng cách, chế độ dinh dưỡng không bảo đảm… còn một nguyên nhân quan trọng là chiếu sáng học đường không đủ, không hợp lý.

Lâu nay, chúng ta chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến hệ thống đèn chiếu sáng trong các trường học. Ngày tiếp ngày, học sinh phải thường xuyên học tập trong môi trường ánh sáng không đạt tiêu chuẩn đã khiến thị lực của nhiều em bị suy giảm, dễ mắc các bệnh về mắt. Phải đeo kính từ khi tuổi còn thơ là điều thiệt thòi cho chính các em và là nỗi lo lắng của các bậc làm cha, làm mẹ. Có một nghịch lý thường thấy ở một số trường và gia đình là khi quá lo lắng về việc thiếu ánh sáng cho trẻ, người lớn thường mắc thêm rất nhiều đèn. Việc này không hẳn đã có lợi, mà trái lại, lạm dụng quá mức ánh sáng đèn sẽ không chỉ có hại cho mắt mà còn làm hao tổn điện năng. Làm thế nào để hạn chế tình trạng gia tăng các bệnh về mắt của học sinh hiện nay đã trở thành nỗi trăn trở không chỉ của những người làm công tác giáo dục.

Các số liệu khảo sát mới nhất do Cục Y tế dự phòng thực hiện đầu năm nay trên 10.000 học sinh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ nói chung là 49,16%, cận thị là 48,1%, cận thị nhẹ cả hai mắt là 56%, cận thị vừa 27,7%, cận thị nặng chiếm đến 15,5%. Tại Hà Nội, trong 634 học sinh ở 6 trường ở quận Hoàn Kiếm và huyện Sóc Sơn được khám thị lực, có tới 138 em bị cận thị (chiếm tỷ lệ 21,8%)… Kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT thời gian qua cũng cho thấy, ở một số trường, hệ thống đèn chiếu sáng mắc rất tùy tiện, không đúng cách thức. Có trường vẫn sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt hoặc đèn huỳnh quang T10-40W thông thường, có nơi lại mắc cả đèn ống lẫn đèn tròn. Ví dụ: một phòng học của trường THPT Yên Hòatreo 7 bóng đèn tròn sợi đốt 100W, nhưng độ rọi sáng trong phòng 50m2 này chỉ đạt 120 lux. Có trường dùng 4 bóng đèn sợi đốt 250W nhưng độ rọi sáng không đồng đều, tiêu phí nhiều điện năng, gây nóng bức, khó chịu cho giáo viên và học sinh và độrọi sáng ở vị trí cao nhất là 150 lux. Một lỗi phổ biến khác của các trường là hệ thống đèn không có chao chụp, vì vậy phần lớn lượng ánh sáng phát ra không tập trung xuống mặt bàn học sinh, làm chói mắt cô và trò...

Trong các tiêu chuẩn thiết kế trước đây như Tiêu chuẩn thiết kế trường phổ thông (TCVN 3978-84), Tiêu chuẩn ngành (20TCN-113-84), Tiêu chuẩn thiết kế trường mầm non (TCXDVN 260:2002) quy định độ rọi tối thiểu trong các trường học là 100 lux (với đèn huỳnh quang) và 50 lux (với đèn nung sáng). Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này đã không còn phù hợp. Nhằm hạn chế tình trạng cận thị học đường, năm 2002, Bộ Y tế đã ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh lao động, kèm theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT; Tiêu chuẩn Việt Nam về chiếu sáng cho hệ thống làm việc trong nhà (TCVN 7114: 2002) quy định độ rọi tối thiểu trong các phòng học, phòng thực hành thí nghiệm… phải đạt 300 lux (đèn huỳnh quang) và 150 lux (đèn nung sáng). Như vậy, so với các tiêu chuẩn cũ, tiêu chuẩn độ rọi mới tăng gấp 3 lần. Điều này cũng đồng nghĩa với yêu cầu cần phải điều chỉnh độ rọi sáng trong các nhà trường. Trước thực trạng ấy, dựa trên ý kiến đề xuất tại tờ trình của liên Sở GD-ĐT, Kế hoạch- Đầu tư, Tài chính, Y tế, Xây dựng, ngày 4-11- 2005, UBND Thành phố đã có văn bản đồng ý về việc áp dụng tiêu chuẩn chiếu sáng mới theo Quyết định 3733 của Bộ Y tế và Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7114:2002) trong các trường học phổ thông của Hà Nội và yêu cầu tất cả các trường học của thành phố phải thực hiện nghiêm túc việc này.

Theo thống kê, đến ngày 31-10, đã có 1.563 phòng học và phòng làm việc trên tổng số 15.695 phòng của toàn thành phố được cải tạo lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới bằng bóng đèn huỳnh quang T8- 36W bột ba phổ Triphosphor 100%do Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông sản xuất. Đây là loại đèn chuyên dùng cho việc chiếu sáng học đường với các tính năng ưu việt như sáng hơn 20% so với đèn huỳnh quang thông thường và 130% so với đèn nung sáng có công suất 100W; màu sắc thật hơn, gần với ánh sáng tự nhiên; một phần trong dải phổ bức xạ của đèn là miền tử ngoại, có tác dụng chống còi xương; một phần màu xanh lục tạo cảm giác dễ chịu, không mỏi mắt dù phải nhìn lâu; một phần màu vàng gây hưng phấn trí tuệ; phần màu da cam làm tăng tính hoạt bát, kích thích tiêu hóa… Theo các nhà tư vấn về chiếu sáng của Công ty, việc bố tríđèn trong một phòng học phải được nghiên cứu kỹ dựa trên thiết kế cụ thể của từng phòng học. Để bảo đảm độ rọi sáng đồng đều, một phòng học có diện tích 50m2 được bố trí 10-11 bộ đèn huỳnh quang và phải lắp ở dưới quạt. Các đèn phải có chao chụp phản quang để tăng cường độ sáng, độ đồng đều khi phân bố ánh sáng. Theo tính toán, nếu tất cả các trường học của Hà Nội đều lắp đặt hệ thống chiếu sáng này thì mỗi tháng ngành GD-ĐT sẽ tiết kiệm được 2,52 tỷ đồng, một năm học (tính 9 tháng) sẽ tiết kiệm được 22,7 tỷ đồng.

Với sự cần thiết và những hiệu quả thực tế ấy, thời gian tới, ngành GD-ĐT cùng các ban, ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới tại 100% các trường của Thành phố. Đây cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành về đầu tư cơ sở vật chất trong năm học này. Hy vọng rằng, với những nỗ lực không chỉcủa những người trong ngành, các trường học của Hà Nội sẽ bớt đi được nhiều cặp kính cận.

HNM

Một phòng học chiếu sáng tốt cần phải đạt các tiêu chuẩn:

- Độ chiếu sáng trên bàn học và bảng phải đạt từ 300 lux đến 500 lux

- ánh sáng của các nguồn sáng dài phải chiếu trực tiếp từ trên trần xuống, không bị loáng quạt do đèn được bố trí dưới quạt.

- Đèn phải có chao chụp sao cho học sinh và giáo viên không nhìn thấy bóng đèn đang phát sáng, không bị chói, bị lóa khi nhìn lên bảng.

- Các đèn được treo sao cho độ rọi sáng trên các mặt bàn có độ đồng đều, học sinh ngồi học không bị sấp bóng.

- Phổ bức xạ của đèn càng gần với phổ nhạy cảm ban ngày của mắt người càng tốt: độ nhìn chữ sẽ rõ nhất, hao phí thị lực ít nhất, có cảm giác thoải mái nhất.

- Số lượng đèn bố trí trong lớp học là ít nhất, nhưng vẫn bảo đảm được độ rọi sáng theo tiêu chuẩn. Mật độ công suất tiêu thụ điện chỉ <10W/m2. Chi phí đầu tư giảm, kinh phí bảo dưỡng, điện năng tiêu thụ giảm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Nhiều cái được

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.