(HNM) - Sau hai tháng triển khai tổ chức thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), nhiều đơn vị ở Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, có cách làm sáng tạo, song một số đơn vị còn lúng túng, thực hiện chưa đúng các văn bản quy định của trung ương (TƯ) và TP.
Nâng chất lượng phục vụ nhân dân
Đến nay, cơ bản các đơn vị đã thực hiện khá đầy đủ công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động KSTTHC, cụ thể là đã ban hành các công văn về việc rà soát, công khai bộ TTHC thuộc thẩm quyền; thiết lập đầu mối thực hiện KSTTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi hành chính của đơn vị... Để nâng cao nhận thức về công tác KSTTHC, UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) đã cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ KSTTHC tham gia lớp tập huấn do quận mở, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ KSTTHC đang thực hiện tại phường tới tất cả các cán bộ chuyên môn của phường. UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các TTHC thuộc thẩm quyền phường để người dân biết.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa).Ảnh: Bảo Lâm
Theo quy định, thông tin về TTHC phải được công khai đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ khai thác, sử dụng. TTHC phải được đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Trên thực tế, ngoài việc thực hiện theo quy định, các đơn vị đã sáng tạo các hình thức công khai khá phong phú: trên Cổng giao tiếp điện tử của quận, trên hệ thống loa truyền thanh... Đơn vị nổi bật trong việc sáng tạo hình thức công khai là UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên). Ngoài việc niêm yết TTHC tại trụ sở UBND, phường đã in danh mục TTHC, dán vào tấm bảng nhỏ rồi niêm yết tại các tổ dân phố trên địa bàn. Hình thức này giúp công dân dễ dàng tiếp cận, không phải đi xa (nhất là ở các khu vực ngoại thành), giảm được sự quá tải nơi cơ quan hành chính. Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cũng có hình thức niêm yết dễ xem, không chiếm nhiều diện tích mà sử dụng được lâu dài là đóng mỗi loại TTHC thành quyển có bìa cứng rồi gắn gáy quyển đó vào một cây i-nox hình trụ. Các quyển này có thể xoay quanh cây i-nox nên cùng một lúc nhiều người có thể xem các thủ tục khác nhau.
Theo ông Mai Thiện Thành, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND TP Hà Nội), đó là những cách làm hay, đơn giản, dễ thực hiện.
Lấp những khoảng trống
Tính đến nay, Phòng KSTTHC của TP Hà Nội đã đi kiểm tra gần hết 29 quận, huyện và gần 60 xã, phường, thị trấn. Kết quả cho thấy, bên cạnh những đơn vị cập nhật đầy đủ các văn bản chỉ đạo của TƯ và TP về công tác kiểm soát TTHC và nghiêm túc triển khai, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quyết tâm, hoặc nhận thức không rõ về vấn đề này nhưng không chủ động hỏi để triển khai cho đúng. Văn bản báo cáo tình hình KSTTHC của UBND huyện Gia Lâm vẫn còn nhầm lẫn về thẩm quyền công bố, ban hành bộ TTHC (của Chủ tịch UBND TP với đơn vị cấp huyện, cấp xã). UBND quận Thanh Xuân vẫn còn lúng túng trong việc thiết lập đầu mối kiểm soát TTHC nên đến giờ gần như chưa triển khai công tác này. Phổ biến nhất là nhiều đơn vị chưa công khai địa chỉ, đường dây nóng của TP tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, việc lưu thừa thành phần hồ sơ gây phiền hà, lãng phí hay hiểu sai về thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị cũng đã được đoàn kiểm tra phát hiện và chấn chỉnh trong đợt kiểm tra vừa qua.
Ông Mai Thiện Thành khẳng định: "Đợt kiểm tra lần này, đoàn chủ yếu tập trung nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị cách tổ chức, thực hiện. TP sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị, song, với địa bàn rộng gồm 29 quận, huyện và 577 xã, phường, thị trấn thì Phòng Kiểm soát TTHC (với 6 cán bộ) không thể tập huấn trực tiếp cho tất cả các đơn vị. Vì thế, cấp huyện cũng cần chủ động tham gia, tổ chức tập huấn cho cán bộ và tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về công tác này. Cán bộ phải nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo để triển khai, gọi điện thoại cho Phòng Kiểm soát TTHC khi có vướng mắc để được hướng dẫn làm đúng ngay từ đầu, tránh âm thầm làm rồi sau lại phải sửa sai".
Hiện TP Hà Nội đã công khai địa chỉ đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến TTHC tại địa chỉ: số 12 Lê Lai, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; ĐT: 04-39346034; email: kiemsoatthutuchanhchinh@hanoi.gov.vn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.