(HNMO) - Xác định tình hình cháy nổ thời gian tới còn diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay từ cơ sở, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa và ứng phó kịp thời khi có cháy nổ xảy ra.
Những chuyển biến mới
Cứ mỗi cuối tuần, người dân nhiều chung cư cũ và nhà ống tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh lại cùng nhau triển khai tháo dỡ lồng sắt bịt bùng ban công, tạo lối thoát hiểm thứ hai, phòng khi cháy nổ xảy ra, dưới sự hướng dẫn của lực lượng công an.
Chung cư số 90 đường Nguyễn Duy Dương (phường 9, quận 5) là một ví dụ điển hình. Chung cư này được xây trước năm 1975, tòa nhà nay đã cũ, mọi ban công căn hộ đều hướng ra mặt đường. Trước đây, một số hộ dân tầng thấp lắp rào sắt che chắn ban công, vừa để bảo vệ tài sản, vừa tạo thêm không gian sinh hoạt. Được công an tuyên truyền vận động, phần lớn các hộ dân đã tháo dỡ “chuồng cọp”, tạo hướng thoát hiểm thông thoáng.
Bà Nguyễn Kim Hoài, Bí thư chi bộ, Trưởng ban vận động, Trưởng ban Công tác mặt trận Khu phố 4 phường 9, quận 5 cho biết, mới đây nhất, Ban vận động đã huy động các nguồn lực xã hội, hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp 2 cầu thang thoát hiểm tại chung cư, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ. “Các hộ dân trong chung cư và một số nhà tài trợ rất sẵn lòng đóng góp để thực hiện công trình nhiều ý nghĩa này”, bà Nguyễn Kim Hoài nói.
Đến nay, toàn quận 5 đã có 30 mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và 27 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Thời gian qua, trên địa bàn quận 5 chưa xảy ra các sự cố cháy nổ nghiêm trọng nào. Mọi nhà ở kết hợp kinh doanh đều có lối thoát hiểm thứ 2 và có trang bị bình bọt cùng dụng cụ chữa cháy, cứu nạn. Quận phấn đấu đến ngày 30-6-2023, sẽ trở thành một trong những quận đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành triển khai các mô hình này tại mọi tổ dân phố, hẻm nhỏ.
Từ tháng 1-2023, quận Tân Phú có 2 phường (Phú Thạnh và Phú Trung) đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình Tổ phản ứng nhanh lực lượng vũ trang phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mỗi tổ có 6 cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực với 1 tổ trưởng và 5 tổ viên, bao gồm các thành viên có tuổi đời từ 18-25 tuổi, được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ an ninh trật tự. Tổ ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng có mặt kịp thời để xử lý tình huống phát sinh.
Trung tá Thái Bình Trung, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Tân Phú cho biết, ngay sau khi thành lập, tổ phản ứng nhanh phường Phú Trung đã dập tắt thành công đám cháy tại trụ sở một công ty trên đường Âu Cơ chỉ sau ít phút nhận tin. Phát huy thành quả này, Ban Chỉ huy quân sự quận đã tham mưu cho các cấp chính quyền triển khai mô hình rất mới này ra toàn bộ 9 phường còn lại của quận Tân Phú.
“Bên cạnh các mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”, quận Tân Phú còn tiên phong triển khai mô hình Tổ phản ứng nhanh với mức chuyên nghiệp cao hơn, sẵn sàng ứng phó với cháy nổ và các tình huống an ninh trật tự trên địa bàn”, Trung tá Thái Bình Trung nói.
Để phong trào thực chất, không hình thức
Ngày 29-4 vừa qua, một vụ cháy xảy ra tại Chung cư Nguyễn Kim (quận 10). Chung cư hoạt động từ năm 2019 với 2 khối nhà cao 30 tầng; có 2 tầng hầm, 756 căn hộ. Ngọn lửa bùng phát vào buổi tối trong một căn hộ vắng chủ trên tầng 10. Khi đám cháy bắt đầu lan rộng trong căn hộ, lực lượng cơ sở mới phát hiện, triển khai chữa cháy tại chỗ nhưng không hiệu quả.
Nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy cứu nạn chuyên nghiệp phải triển khai 13 phương tiện, 84 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, khống chế ngọn lửa trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ; cứu nạn được 15 người tại tầng 10 và hướng dẫn 150 người khác thoát hiểm.
Ngày 9-5, Công an thành phố, Công an quận 10 và lực lượng phòng, chống cháy nổ cơ sở đã họp bàn rút kinh nghiệm sau vụ cháy này. Một số tồn tại đã được chỉ ra: Đám cháy không được phát hiện sớm, nên chữa cháy tại chỗ không hiệu quả. Việc hướng dẫn người dân thoát nạn ban đầu chưa tốt, nên người dân có phần hoảng loạn cho đến khi lực lượng chuyên nghiệp có mặt. Hệ thống điện trong căn hộ cũ, dẫn tới dây dẫn vào bóng đèn chiếu sáng bị nóng, đứt, rơi xuống ghế sofa gây cháy.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong công tác phòng, chống cháy nổ; biểu dương hiệu quả chiến đấu cao của lực lượng chuyên nghiệp, nên đã không để vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
“PC07 cùng Công an quận 10 và chính quyền phường sở tại sẽ tiếp tục phối hợp cùng lực lượng tại chỗ khắc phục ngay những khuyết điểm trong vụ cháy này để hoàn thiện kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cách làm này được PC07 triển khai tại mọi địa bàn của thành phố Hồ Chí Minh để các phong trào, mô hình quần chúng tham gia phòng, chống cháy nổ tại cơ sở ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.