(HNMO) - Những trang web và dịch vụ vi phạm bản quyền đăng, phát các trận đấu bóng đá, phim ảnh, âm nhạc... trên mạng không chỉ gây thiệt hại về quyền lợi và uy tín cho đơn vị chủ sở hữu nội dung số mà còn gián tiếp hạn chế các nguồn lực cho phát triển xã hội. Đó cũng là nội dung được đề cập tại hội thảo chuyên đề "Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam" do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Liên minh Sáng tạo và Giải trí - ACE (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) tổ chức sáng nay, 21-7, tại Hà Nội.
Vi phạm bản quyền gây thất thoát hàng trăm triệu USD
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết môi trường internet có hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đang hoạt động và hằng ngày truyền tải lượng thông tin báo chí, nội dung số, video clip khổng lồ tới hàng triệu người dùng internet. Trong đó, có nhiều nội dung thông tin được lưu trữ, đăng tải trái phép, không thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi, uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung.
"Các vi phạm bản quyền trực tuyến chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bóng đá, phim ảnh, game show, âm nhạc; trong đó, vi phạm bản quyền nhiều nhất là các trận đấu, giải đấu bóng đá lớn, trận đấu có đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu...", ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Thông tin cụ thể hơn về thực trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: Phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên internet.
Các nội dung vi phạm này được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng: Website, ứng dụng (app) OTT được Nhà nước cấp phép; các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài; các app OTT lậu được chia sẻ trên internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch; các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động...
"Tính đến tháng 6-2022, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đến trên 500 website vi phạm bản quyền", ông Phạm Hoàng Hải cho biết.
Đại diện Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) cho biết, về vi phạm bản quyền trực tuyến, tại khu vực Đông Nam Á có 3 nước có tỷ lệ vi phạm cao (theo thứ tự) gồm: Indonesia, Philippines và Việt Nam; nhưng xét theo đầu người thì Việt Nam có tỷ lệ vi phạm bản quyền số cao nhất khu vực. Điều này đã gây thiệt hại cho các nhà cung cấp nội dung số, qua đó khiến các doanh nghiệp không thể đầu tư nguồn lực để tăng doanh thu cũng như tạo ra công ăn việc làm tại Việt Nam.
Còn theo báo cáo Media Partners Asia, cả ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.
Tuy nhiên, với tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến (số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022) làm thất thoát 348 triệu USD. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.
Thực thi công cụ ngăn chặn vi phạm bản quyền
Dẫn báo cáo của Media Partners Asia, đại diện ACE cho rằng, việc kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị nhờ tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp.
Nếu đẩy mạnh nỗ lực chống vi phạm bản quyền các nội dung video trực tuyến sẽ giúp tăng 3 lần doanh thu video trực tuyến. Kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay.
Về giải pháp kỹ thuật ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến, bà Celine Boyer, Trưởng phòng An ninh mạng của Tập đoàn Canal+ (đơn vị góp vốn trong liên doanh truyền hình K+) cho biết, tại Pháp, kể từ đầu năm 2022, bộ luật về bảo vệ bản quyền có hiệu lực cho phép nhà cung cấp được chủ động chặn vi phạm về bản quyền. Do vậy, Canal+ được phép chặn tất cả các trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác.
Còn đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý phối hợp với các đơn vị liên quan đã trực tiếp xử lý, chặn nhiều website vi phạm bản quyền số. Với những trường hợp vi phạm khẩn cấp, thông thường chỉ khoảng 15-20 phút là có thể ngăn chặn nội dung vi phạm... bảo đảm thực thi pháp luật và quyền lợi của nhà cung cấp nội dung số.
Về các biện pháp thực thi bản quyền trên mạng, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Cục đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc... Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác chống vi phạm bản quyền nội dung số nhận được sự chỉ đạo quan tâm của lãnh đạo Bộ, Cục.
Cùng với đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp các đơn vị đưa ra các giải pháp phối hợp, từ đó có thể rà quét phát hiện vi phạm bản quyền một cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản quyền cho các chủ sở hữu hợp pháp nội dung số trên không gian mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.