Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều biện pháp để giảm thiểu lao động trẻ em

Minh Ngọc| 01/12/2021 13:34

(HNMO) -  Ngày 1-12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo triển khai “Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Hội nghị diễn ra với hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Trẻ em cần được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn ở nước ta luôn nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều phía. Nổi bật là “Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 782/QĐ - TTg ngày 27-5-2021. Chương trình có ba mục tiêu chính là: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Đây là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam về xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững...

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, nước ta vẫn còn tình trạng lao động trẻ em. Theo kết quả khảo sát quốc gia mới nhất, nước ta còn 1.031.944  trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng dân số trẻ em trong độ tuổi này, thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

Để trẻ em được phát triển toàn diện, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà mong muốn các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức chủ động triển khai “Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù của từng ngành, địa phương. Nội dung các chương trình, hoạt động nên lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững... Trước mắt, các bên cùng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, qua đó người lao động duy trì việc làm, có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em phải lao động sớm trái quy định.

Dưới góc nhìn khách quan, chuyên gia cao cấp của Tổ chức ILO Bharati Pflug đánh giá, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc thực hiện chương trình quốc gia phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em góp phần tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.... Còn Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Lesley Miller nhấn mạnh, lao động trẻ em có thể phòng ngừa thông qua việc giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ bảo trợ xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng quyền trẻ em...

Với nhiều giải pháp đã, đang triển khai đồng bộ, nhiều ý kiến tin tưởng công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam tiếp tục đạt những kết quả khả quan...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều biện pháp để giảm thiểu lao động trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.