Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bệnh nhân không được khám vì... thẻ cũ

Đức Trung| 05/01/2010 06:25

(HNM) - Từ ngày 1-1-2010, theo quy định của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khám, chữa bệnh(KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) theo thẻ BHYT mới, tất cả cơ sở KCB trên toàn quốc đã áp dụng mẫu thẻ BHYT mới. Ngày 4-1, 6 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã rà soát công tác này tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phát hiện nhiều vướng mắc nảy sinh, cần phải giải quyết.

Chưa có sự phối hợp nhịp nhàng

Đó là sự phối hợp giữa hai ngành bảo hiểm và y tế. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra Bộ Y tế khi tiến hành tại các bệnh viện như Bạch Mai, Phụ sản, Bệnh viện K, Chợ Rẫy, Từ Dũ… rất nhiều bệnh nhân đã không thể điều trị được trong ngày khám bệnh đầu tiên của năm 2010 mặc dù thẻ BHYT còn hạn sử dụng. Theo TS Viên Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 1.300 bệnh nhân đến khám, trong đó tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT chiếm đến 70%. Thực hiện quy định về việc KCB BHYT theo thẻ BHYT mới, khoa đã được bệnh viện thông báo chỉ giải quyết BHYT cho những bệnh nhân xuất trình được thẻ BHYT mẫu mới ban hành. Tuy nhiên, số bệnh nhân có thẻ BHYT mới còn rất ít nên có rất nhiều bệnh nhân dù thẻ BHYT cũ vẫn còn hiệu lực đến tháng 4 và 5-2010 nhưng vẫn không thể khám được.


Tại phòng chờ khám theo thẻ BHYT Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Linh Tâm

 Về vấn đề này, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế cho biết, vướng mắc không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện Hà Nội. Cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã kết luận, theo quy định tại Thông tư 10, thẻ BHYT cấp trước ngày thông tư 10 có hiệu lực thì tiếp tục được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế đó cho đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Vì vậy, thẻ BHYT cũ còn hạn sử dụng sau thời điểm 1-1-2010 nếu chưa được cấp thẻ mới thay thế thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến hết thời hạn của thẻ, quyền lợi áp dụng theo quy định mới. Người bệnh nội trú có thẻ BHYT hết hạn trước ngày 31-12-2009, nếu thuộc nhóm BHYT bắt buộc, căn cứ vào mã thẻ để cho hưởng tiếp, nếu nhóm BHYT tự nguyện thì hướng dẫn người bệnh mua thẻ BHYT mới, khi có xác nhận là đối tượng tham gia BHYT và đang đợi cấp thẻ, sẽ được chi trả cho đến hết đợt điều trị.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, đến bây giờ ông mới biết có quy định này. Theo ông Hiền, văn bản mới nhất bệnh viện nhận được là của Bảo hiểm xã hội Hà Nội, ngày 18-12-2009, trong đó ghi rõ: "từ ngày 1-1-2010, thẻ bảo hiểm y tế phát hành theo hệ thống mã thẻ cũ không còn giá trị sử dụng khi đi khám tại cơ sở KCB. Thẻ có giá trị là thẻ được phát hành theo mã mới...". Vì thế, bệnh viện đã xóa toàn bộ mã thẻ cũ không còn giá trị và thay toàn bộ hệ thống mã thẻ mới. Giờ đổi lại rất khó và hơn nữa, cũng chưa có văn bản chính thức của ngành y tế.

Còn tại Bệnh viện K trung ương, chỉ những bệnh nhân có thẻ BHYT mới hoặc thẻ cũ còn nhưng có giấy chuyển viện mới được thanh toán 80 đến 95% viện phí, không có thì chỉ được thanh toán 30%. Đặc biệt, rất nhiều bệnh nhân không hài lòng về việc "cùng chi trả 20%", vì với bệnh nhân điều trị ung thư, chi phí điều trị lên tới vài chục triệu đồng/đợt thì chi trả 20% cũng là mức cao.

Cùng tháo gỡ, tạo thuận lợi cho người bệnh

Kết quả ngày kiểm tra đầu tiên, ông Trần Quý Tường thừa nhận, để xảy ra tình trạng vừa phát sinh là do sự phối hợp liên ngành bảo hiểm và y tế chưa nhuần nhuyễn. Với phương châm không để bệnh nhân bị gián đoạn điều trị, trong thời gian sớm nhất, hai ngành sẽ bàn thảo tìm phương án tốt nhất bảo đảm quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT. Hôm nay (5-1), 6 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BHYT của Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra tại 14 bệnh viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để giải đáp và tháo gỡ những khó khăn trong những ngày đầu triển khai luật với nhiều đối tượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bệnh nhân không được khám vì... thẻ cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.