Xã hội

Nhiều bất cập làm chậm tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Tiến Thành 13/09/2023 - 16:08

Chiều 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

ythanhha.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong năm 2023, kết quả giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã có tiến bộ, nhất là nguồn vốn đầu tư. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31-8-2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 chương trình đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022); kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 41,9% kế hoạch.

Về giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lũy kế đến hết tháng 6-2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%, cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu tòan quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đã bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

ubtvqh6.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý. Các văn bản chính ban hành chậm, chậm được sửa đổi, số lượng văn bản quá nhiều (khoảng hơn 400 văn bản của cả trung ương và địa phương).

Hiện còn 6 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội; 4 địa phương chưa ban hành cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...

Ban Chỉ đạo chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan. Hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét, nhất là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý và tổ chức thực hiện 3 Chương trình.

Những hạn chế, bất cập trên đã làm cho tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 đến 31-1-2023 chỉ đạt 42,49% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 54% kế hoạch, vốn sự nghiệp đạt rất thấp, chỉ đạt 7,82% kế hoạch); kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6-2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước đến ngày 31-8-2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.

Nhiều dự án, tiểu dự án chưa thực hiện hoặc chưa phát huy được hiệu quả; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, mức sống của người dân chưa đạt như mong đợi. Giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, bền vững, chưa hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập làm chậm tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.