Ngày 9-3, một ngày sau khi bang Hawaii kiện sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bang Washington và một vài bang khác tuyên bố sẽ có hành động pháp lý nhằm ngăn chặn văn kiện này.
Người dân tham gia biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh mới của chính quyền Mỹ tại New York ngày 9-3. |
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tư pháp bang Washington - Bob Ferguson cho biết, có ít nhất ba bang là Minnesota, New York và Oregon đã tuyên bố sẽ tham gia cuộc chiến pháp lý mới này.
Ông Ferguson kiến nghị tòa án tiếp tục áp dụng lệnh đình chỉ đang có hiệu lực đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên của Tổng thống Trump đối với sắc lệnh mới vừa được chính quyền công bố ngày 6-3.
Bộ trưởng Ferguson nhấn mạnh, sau hơn một tháng cân nhắc để sửa đổi, sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Trump vẫn bảo lưu nhiều điều khoản và vẫn mang "các động cơ bất hợp pháp" như trong sắc lệnh đưa ra hồi tháng 1-2017. Ông cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp lại, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp.
Trước đó, ngày 5-1, Tổng thống Trump đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, đồng thời cấm công dân từ bảy quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là: Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, sắc lệnh này tới nay chưa có hiệu lực thực thi do Thẩm phán liên bang James Robart tại thành phố Seattle ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh. Tòa án phúc thẩm Liên bang Khu vực số 9 đã ủng hộ phán quyết của thẩm phán Robart, động thái bị Tổng thống Trump chỉ trích là "đi quá xa" và mang động cơ chính trị.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Trump đã có những điều chỉnh và công bố sắc lệnh nhập cảnh mới, theo đó tiếp tục cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, xóa tên Iraq khỏi danh sách bảy quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số bị cấm tới Mỹ.
Công dân sáu nước nêu trên nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu thẻ xanh) và những người đang có thị thực hợp lệ không bị ảnh hưởng theo sắc lệnh mới này. Ngoài ra, công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh đầu tiên./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.