Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bài thi tốt nghiệp 2009 có biểu hiện bị chấm sai

Đinh Lan| 07/01/2010 14:35

Có thể chấm sai do thí sinh viết xấu

Trong số gần 2.000 bài thi tốt nghiệp THPT năm 2009 được chọn ngẫu nhiên để chấm thẩm định, có 962 bài (trên 52%) kết quả “vênh” với điểm chấm của các Sở GD - ĐT 0,25 - 1 điểm.


Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) hôm qua công bố kết quả chấm thẩm định bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp 2009 để rút kinh nghiệm các khâu coi thi và chấm thi của các địa phương.

Có thể chấm sai do thí sinh viết xấu

Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT & KĐCLGD - Bộ GD- ĐT) cho biết, Tổ chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp năm 2009 đã chấm thẩm định các bài thi ba môn thi tự luận (Toán, Ngữ văn, Địa lý) của 21 Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. 

Thí sinh chịu thiệt thòi nếu giám khảo chấm thi "không đều tay" ở các môn tự luận. Ảnh minh họa: Trung Kiên


Kết quả cho thấy, số bài chấm thẩm định có điểm chấm cao hơn so với điểm chấm của các Sở GD-ĐT là  242 bài (chủ yếu là cao hơn khoảng 0,25 - 0,5 điểm) chiếm 13,4 %; số bài chấm thẩm định có điểm thấp hơn so với điểm chấm của các Sở GD-ĐT là 719 bài (chủ yếu là thấp hơn khoảng 0,25 - 1 điểm), chiếm 39,7%.

Nhìn chung, theo Cục KT & KĐCLGD, độ lệch điểm giữa các bài chấm thẩm định và bài chấm tại các sở GD- ĐT không nhiều và nằm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số bài thi có biểu hiện bị chấm sai do giám khảo không phát hiện hết lỗi trong bài làm của thí sinh (phần lớn là các bài thi có chữ viết quá cẩu thả, quá xấu, khó đọc) hoặc do cộng điểm nhầm.

Như vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp 2009 vừa qua, mức điểm chênh lệch giữa chấm thẩm định với điểm chấm của các Sở GD - ĐT đều không vượt quá 1 điểm.

Trong khi năm 2008 (chưa thực hiện chấm chéo), điểm của Hội đồng chấm thi “vênh” rất lớn với điểm chấm thẩm định của Bộ. Trong đó, môn Lịch sử có số bài chấm vượt nhiều nhất, tiếp đó là môn các môn Ngữ văn, Toán; điểm vượt cao nhất của môn Lịch sử là 3,5 điểm, môn Ngữ văn là 4 điểm; môn Toán là 4,75. Cá biệt, tại một số tỉnh, tỷ lệ điểm chấm thi vượt cao nhiều so với điểm chấm thẩm định; trong đó, có những bài chấm vượt trên 3 điểm, thậm chí 4,75 điểm.

Giám khảo cứng nhắc

Theo tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, việc tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương là giải pháp có hiệu quả thiết thực, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế từng tồn tại trong khâu chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây, đảm bảo cho kết quả thi khách quan, chính xác, công bằng hơn.

Tuy nhiên, tình trạng giám khảo vận dụng thiếu linh hoạt vẫn tồn tại đã đặt ra yêu cầu đảm bảo sự thống nhất trong việc nắm vững và vận dụng sát, đúng, linh hoạt hướng dẫn chấm thi đối với từng môn thi trên phạm vi toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp 2010. Điển hình nhất đã tình trạng điểm thi môn Văn thấp bất thường ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua đã khiến Bộ GD- ĐT phải cấp tốc kiểm tra quy trình chấm thi và chấm thẩm định.

Kết luận của Bộ GD-ĐT nêu rõ có việc giám khảo một số địa phương vận dụng cứng nhắc hướng dẫn chấm thi. Như vậy, nghi ngại về việc “chấm không đều tay” ở môn thi Văn, Địa lý do cách vận dụng biểu điểm, hướng dẫn chấm thi của giám khảo khác nhau là có thật. Đây cũng là vấn đề cấn xử lý rốt ráo nhằm rút kinh nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp 2010 đang đến gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bài thi tốt nghiệp 2009 có biểu hiện bị chấm sai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.