Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệt huyết của một người trẻ

Minh Ngọc| 18/03/2020 07:01

(HNM) - Phía sau tấm Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương bạc kỳ thi tay nghề thế giới, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019… là hình ảnh người thanh niên rắn rỏi, đầy bản lĩnh Trương Thế Diệu (sinh năm 1997) - sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội. Dù đạt được thành tích đáng nể khi tuổi còn trẻ, song Diệu tâm niệm: “Vinh quang sẽ chỉ là những khoảnh khắc, nếu người đón nhận không tiếp tục rèn luyện, phấn đấu”. Vì vậy, anh tự hứa với bản thân tiếp tục sống, học tập, làm việc hết mình bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Anh Trương Thế Diệu miệt mài học tập, rèn nghề.

Khổ luyện thành tài

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có dịp gặp Trương Thế Diệu. Theo lời kể, Diệu là con thứ hai trong một gia đình đông con ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, Diệu đã yêu thích những trò chơi lắp đặt, sáng tạo, giàu trí tưởng tượng. Lớn lên, Diệu say mê với các môn học như hình học không gian, kỹ thuật công nghiệp… Để nuôi dưỡng niềm đam mê, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2015, Diệu nộp hồ sơ đăng ký học nghề cắt gọt kim loại, Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội. “Người thân, bạn bè đều bất ngờ với quyết định học nghề, thay vì học đại học của tôi. Nhưng, tôi luôn tin tưởng, dù học tập hay làm việc, phải có đam mê mới có đủ nỗ lực, phải rèn luyện mới hình thành kỹ năng, sự sáng tạo…”, Diệu nói.

Được học tập trong môi trường giáo dục thực hành, Diệu như “cá gặp nước”. Cơ hội đến khi hết năm học thứ nhất (năm 2016), Diệu biết Công ty TNHH DENSO Việt Nam, thuộc Tập đoàn DENSO Nhật Bản tuyển ứng viên cho kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 với nghề phay CNC, nên đăng ký tham gia. Vượt qua hàng trăm thí sinh tại vòng sơ tuyển, Trương Thế Diệu được lựa chọn để đào tạo nâng cao và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia nội dung nghề phay CNC trong kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45, diễn ra tại thành phố Kazan (Liên bang Nga) vào tháng 8-2019.

Tại kỳ thi này, Diệu bình tĩnh vượt qua hàng chục thí sinh đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ để giành tấm Huy chương bạc đầu tiên cho Việt Nam, sau 7 lần tham gia. “Trong hơn 2 năm huấn luyện để tham gia kỳ thi tay nghề thế giới, tôi phải luyện tập từ 10 giờ đến 12 giờ mỗi ngày. Có những lúc làm bài không đạt kết quả như mong muốn, có những ngày muốn nghỉ ngơi mà không có thời gian để nghỉ, khiến cảm thấy mệt mỏi. Mỗi lần như vậy, tôi được các chuyên gia ân cần chỉ bảo, phân tích và động viên, rằng “phải khổ luyện mới thành nghề”, Diệu nhớ lại.

Là người trực tiếp huấn luyện cho Trương Thế Diệu, anh Giang Chấn Vinh, chuyên gia của Công ty TNHH DENSO Việt Nam cho biết, đặc thù của nghề phay CNC là người thợ phải biết đọc bản vẽ trên không gian đa chiều, nhớ được hình ảnh đó rồi gia công sản phẩm dựa trên bản vẽ. Quá trình thực hiện đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ, họ sẽ phải làm đi làm lại nhiều lần. Để giỏi nghề, người học phải có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng, ý thức làm việc nghiêm túc, tập trung và sự sáng tạo không ngừng. Trong số những thí sinh tham gia huấn luyện nghề phay CNC, Trương Thế Diệu là người tích hợp được đầy đủ những yếu tố đó, nên thành công là tất yếu.

Bạn đồng hành, cũng là đối thủ của Diệu trên chặng đường đua tài là sinh viên Lê Tấn Tài, Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đánh giá, Diệu không dễ dàng bị khuất phục trước khó khăn, gian khó. Ngược lại, khó khăn là động lực thôi thúc Diệu vươn lên.

Lan tỏa tình yêu nghề

Phần thưởng cho sự say nghề, đam mê sáng tạo của Trương Thế Diệu không chỉ là tấm Huy chương bạc đầu tiên trong các kỳ thi tay nghề thế giới mà đoàn Việt Nam từng tham gia. Trở về sau kỳ thi, thành tích Diệu đạt được đã góp phần lan tỏa tình yêu nghề cho không ít người trẻ. Sinh viên Trần Thanh Tuấn, Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội chia sẻ: “Vào thời điểm đầu tháng 9-2019, việc lựa chọn học nghề của mình được gia đình ủng hộ. Bạn bè, người thân động viên mình nhìn tấm gương anh Trương Thế Diệu để phấn đấu”.

Với thành tích đã đạt được, Trương Thế Diệu đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào cuối năm 2019, khi mới 22 tuổi. Mới đây, Diệu tiếp tục được bình chọn là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức bình chọn. Gặt hái nhiều thành công, chạm tới các danh hiệu cao quý khi còn trẻ, song Diệu tâm niệm: “Vinh quang sẽ chỉ là những khoảnh khắc, nếu người đón nhận không tiếp tục rèn luyện, phấn đấu”. Vì vậy, anh không ngừng nỗ lực học tập, rèn nghề để hoàn thiện bản thân.

Hiện tại, Trương Thế Diệu vừa tiếp tục học tập tại Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội sau thời gian bảo lưu để tập trung cho kỳ thi tay nghề thế giới, vừa là nhân viên chính thức của Công ty TNHH DENSO Việt Nam, đảm nhận vai trò hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 46, dự kiến diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2021. Ở vị trí nào, Diệu cũng luôn hoàn thành tốt công việc. “Là sinh viên trong khi đã là chuyên gia, nhưng Diệu luôn khiêm tốn, chăm chỉ học hành, sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn cùng học”, thầy Tăng Huy, Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội nhận xét.

Trong vai trò hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 46, Diệu hiểu rõ áp lực của thí sinh nên đã đưa ra các kế hoạch, thiết kế các bản vẽ sao cho thí sinh dễ ôn luyện, tự tin bước vào đấu trường quốc tế. Từ kinh nghiệm thực tế, Trương Thế Diệu nhắn nhủ: “Tuổi trẻ hãy say mê lý tưởng. Nếu yêu thích học nghề, người trẻ hãy tự tin lựa chọn và tập trung nuôi dưỡng niềm đam mê. Bởi, khi có đam mê, mỗi người sẽ có động lực để vượt qua khó khăn, thử thách”.

Tìm hiểu về thị trường lao động, việc làm, Trương Thế Diệu nhận thấy, lực lượng lao động hiện có, nhất là lao động ngành cơ khí chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Diệu cho biết, thời gian tới, ngoài mục tiêu hỗ trợ các thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề thế giới, anh sẵn sàng tham gia các chương trình, hoạt động, diễn đàn có mục đích tư vấn, hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn nghề cho giới trẻ. Từ góc độ của người học, Diệu mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề, để người học có điều kiện nâng cao kỹ năng thực hành, có khả năng làm chủ máy móc, công nghệ, tự tin hội nhập với thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệt huyết của một người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.