Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn đánh giá, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đó là, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Cơ chế, chính sách quản lý còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang, thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thủ tục hành chính đang là “điểm nghẽn" trong việc sử dụng nguồn quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp…
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 709/QĐ-TTg (ngày 23-7-2024) ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TƯ ngày 11-1-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ các bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức..., trong thời gian tới, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Trước hết, cần tập trung đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương để đáp ứng yêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; tiếp tục chú trọng đề xuất chính sách đặc thù, vượt trội đối với chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học giỏi; thu hút, tạo nguồn cán bộ khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi cho sản phẩm đang trong thời kỳ thử nghiệm, sử dụng công nghệ mới và các hoạt động tư vấn, nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đó là: "Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực như thể chế, cơ chế, chính sách, hạ tầng, con người…". Qua đó, thực hiện thắng lợi chủ đề của năm 2024: "Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia", để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, đột phá chiến lược, là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần quan trọng phát triển đất nước nhanh, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.