Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ khó khăn và lâu dài

Nguyễn Quang Long| 13/06/2019 11:43

(HNMCT) - Nhìn vào bình diện chung của hoạt động nghệ thuật truyền thống dân tộc như kịch hát, âm nhạc..., có thể thấy tồn tại lớn nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực trẻ.

Những dự án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các nhà hát nghệ thuật truyền thống với các trường nghệ thuật sẽ giúp có thêm các lứa nghệ sĩ mới kế cận.


Tưng bừng liên hoan nghệ thuật truyền thống

Trong những năm qua, nhiều hoạt động nhằm khích lệ, thúc đẩy nghệ thuật truyền thống phát triển đã được tổ chức. Đơn cử như Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 tổ chức hồi trung tuần tháng 9-2018 tại Long An đã thu hút 25 đoàn nghệ thuật cải lương với hàng trăm diễn viên tham dự. Một ví dụ nổi bật khác là Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019. Được tổ chức tại Thanh Hóa từ ngày 11 đến 20-5, Liên hoan đã thu hút 11 đơn vị nghệ thuật đến từ 3 miền đất nước, với tổng số hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn 9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch.

Cũng trong năm 2019 này, nhiều liên hoan nghệ thuật khác sẽ được Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức, như Liên hoàn Chèo toàn quốc được tổ chức vào tháng 9 tại Bắc Giang. Dự kiến tháng 10 tới, Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV năm 2019 tại Hà Nội. Liên hoan Hát xẩm khu vực phía Bắc cũng đang được UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, lên kế hoạch tổ chức vào khoảng tháng 11.

Cũng như nghệ thuật cải lương, tuồng và dân ca kịch, gần như chắc chắn liên hoan chèo sẽ thu hút đông đảo nghệ sĩ các thế hệ tham gia. Trong khi đó, ban tổ chức liên hoan hát xẩm cũng rất lạc quan, tin tưởng sẽ thu hút được các nghệ sĩ, nghệ nhân và bạn trẻ yêu thích hát xẩm thuộc nhiều địa phương tham dự.

Ở một hoạt động khác, Khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vừa tưng bừng tổ chức lễ báo cáo tốt nghiệp cho các sinh viên chuyên ngành Chèo và Cải lương. Cùng với những hoạt động tương tự được tổ chức tại nhiều trường nghệ thuật trên toàn quốc, một lực lượng nghệ sĩ trẻ đã qua đào tạo tới đây sẽ được bổ sung vào các đơn vị hoạt động nghệ thuật.

Người trẻ không mặn mà với sân khấu truyền thống?

Một vở diễn báo cáo của diễn viên trẻ thực tập do Nhà hát Chèo Việt Nam đào tạo.


Nếu chỉ nhìn vào một vài liên hoan hay hoạt động trong lĩnh sực sân khấu và âm nhạc truyền thống thời gian gần đây, có thể thấy, lực lượng nghệ sĩ tham gia tương đối đông đảo, tuy nhiên nguồn nhân lực thực sự cho nghệ thuật truyền thống nói chung, đặc biệt là nhân lực trẻ, thì vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Bên lề Lễ kỷ niệm 19 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức tại Bắc Ninh mới đây, NSND Hoàng Đạt - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam kể câu chuyện về sự khó khăn trong tuyển sinh cho một cuộc thi vọng cổ có tiếng trên truyền hình. Vốn dĩ trước đây, khi còn đương chức, NSND Hoàng Đạt cũng từng trực tiếp tham gia phối hợp cùng một đơn vị truyền hình tổ chức tuyển sinh, thu hút một số thí sinh khu vực phía Bắc tham dự và có những đêm thi ấn tượng cho loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.

Năm nay như thường lệ, Nhà hát tiếp tục phối hợp cùng “nhà đài” tổ chức tuyển sinh, nhưng khi thông báo đã phát đi, ngày thi ngày càng đến gần mà con số thí sinh đăng ký tham gia dường như vẫn không mấy khả quan. Cải lương từng có thời rất phát triển ở miền Bắc, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc có hẳn một đoàn riêng cho mình, trong khi hoạt động ca cải lương ở ngoài dân gian cũng phát triển. Ngay như bản thân cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu cũng thuộc nhiều bài, bản ca cải lương.

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, công chúng khu vực phía Bắc chỉ còn biết đến cải lương qua Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh. Song, dù có nỗ lực đến mấy thì bản thân các nhà hát cũng có sự khó khăn nhất định về nhân sự. Nguyên nhân là lớp nghệ sĩ đến tuổi nghỉ hưu ngày một nhiều lên trong khi không có sự bổ sung lứa nghệ sĩ trẻ đáp ứng được về chuyên môn.

NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam từng chia sẻ với người viết, một trong những vấn đề khó khăn gây ảnh hưởng cho sự phát triển của nghệ thuật Chèo đó là nguồn nhân sự kế cận. Và giải pháp để khắc phục tình trạng này được Nhà hát Chèo Việt Nam áp dụng, đó là trực tiếp tuyển sinh và đào tạo dưới hình thức liên kết với Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Trong khi đó, nguồn tuyển sinh cho các ngành nghệ thuật truyền thống ngày càng khó khăn, thậm chí có năm, có ngành không tuyển được thí sinh nào. Một giảng viên lâu năm của một trường văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh khu vực phía Bắc chia sẻ rằng, với các nhạc cụ truyền thống dân tộc chỉ tuyển được chủ yếu là chuyên ngành sáo, ngoài ra có thể là đàn nguyệt, còn lại rất khó khăn. Thậm chí với chuyên ngành đàn thập lục, hơn 10 năm qua chỉ tuyển được vài học sinh.

Chủ động tìm kiếm, giữ chân người trẻ

Để khắc phục khó khăn về nhân sự theo đuổi nghệ thuật truyền thống, bản thân các đơn vị nghệ thuật cũng như đơn vị đào tạo phải tự tìm giải pháp cho mình. Chẳng hạn như với Nhà hát Chèo Việt Nam, giải pháp ấy chính là tự tuyển sinh và liên kết đào tạo. Việc trực tiếp tuyển chọn lớp nghệ sĩ kế cận giúp cho Nhà hát chủ động trong việc xây dựng lực lượng nhân sự có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, lại lấp được khoảng trống mà đơn vị sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Tuy nhiên, hình thức liên kết đào tạo này có lẽ chỉ phù hợp với những đơn vị có quy mô lớn, cho nên nguồn nhân lực trẻ bổ sung cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống vẫn phụ thuộc vào công tác đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật. Trong khi giải pháp được Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang áp dụng nhiều năm qua là trực tiếp tuyển sinh tại trường và đến nhiều địa điểm trong toàn tỉnh, đồng thời tuyển sinh thành nhiều đợt, đợt đầu thường vào đầu mùa hè, đối tượng chính nhắm tới là học sinh vừa tốt nghiệp THCS, đợt II vào khoảng cuối hè, chừng tháng 8, khi các em thi vào đại học đã có kết quả.

“Đầu ra” cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng tới quá trình thu hút nguồn nhân lực trẻ đến với nghệ thuật truyền thống. Trong câu chuyện với giảng viên của trường văn hóa nghệ thuật mà nhiều năm qua chỉ tuyển được chuyên ngành sáo, chúng tôi có hỏi nguyên nhân thì được biết, thực tế ở tỉnh này chỉ có duy nhất một đoàn nghệ thuật chèo, cho nên cơ hội cho các em khi ra trường được đầu quân chính thức cho đoàn gần như là không có. Vậy thì lực lượng trẻ ấy sẽ đi đâu sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập? Cũng giảng viên này cho biết, chủ yếu các em chọn học sáo vì sau này khi ra trường sẽ... đi hành nghề hát văn! Và đó cũng là lý do trường này hầu như chỉ tuyển được “đầu vào” cho các nhạc cụ có liên quan trực tiếp đến nghệ thuật hát văn như sáo, nguyệt.

Việc khuyến khích người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Song, ngay cả khi người trẻ đã đến với nghệ thuật truyền thống rồi thì việc giữ chân họ cũng là một vấn đề. Như trường hợp một nghệ sĩ bộ gõ dân tộc có tài năng, đam mê thực sự với nghệ thuật truyền thống, là tay trống chính trong một nhà hát nghệ thuật truyền thống hàng đầu, sau nhiều năm gắn bó đã quyết định “dứt áo”, đầu quân cho một đơn vị khác có thu nhập tốt hơn, có thời gian hơn để “canh tác” bên ngoài.

Hay như câu chuyện của Trúc Du - một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực hát văn ở Hà Nội, khá đa năng khi có thể chơi được đàn nguyệt, đàn bầu, bộ gõ và cả hát, trước đây vốn thuộc biên chế một nhà hát chèo danh tiếng. Lý do “dứt áo” của Trúc Du khá đơn giản, là bởi lúc còn trẻ thì không sao, nhưng khi đã có gia đình, nhiều áp lực dồn lên vai, phải tự xoay xở tìm cách để có nguồn thu nhập ổn định hơn, đảm bảo sinh hoạt cho gia đình và tích cóp để có thể có được một “tổ ấm” của riêng mình. Khá nhiều nghệ sĩ hát văn hay các nghệ thuật dân gian khác hoạt động tự do ở Hà Nội từng có thời gian gắn bó với một đơn vị nghệ thuật truyền thống nào đó. Lý do khiến họ phải “rẽ ngang”, dừng lại niềm đam mê, chủ yếu là vì “cơm áo, gạo tiền”!

Cần có sự quan tâm đặc biệt

PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 cho rằng, tuồng đang lỗi nhịp với thời cuộc của thời đại 4.0, và điều này đòi hỏi những người quản lý cũng như sáng tạo nghệ thuật tuồng phải có sự tìm tòi mới trong phương pháp tiệm cận khán giả cũng như trong cách thể hiện tác phẩm nghệ thuật của mình. Đây là một thực tế, song vẫn cần nhìn nhận việc tồn tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, sáng tạo những giá trị mới nối tiếp mạch nguồn truyền thống là điều hết sức quan trọng. Nhưng để các đơn vị này tồn tại một cách vững vàng và đáp ứng được nhu cầu mang tính thời đại, cần có sự quan tâm đặc biệt về cơ chế, chính sách cũng như môi trường hoạt động.

Vấn đề “chảy máu” nguồn nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật truyền thống đang diễn ra âm thầm nhưng để lâu thì sẽ hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu trong số những giải pháp phát triển của nghệ thuật truyền thống hiện nay là quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất của chính các nghệ sĩ, diễn viên. Tiếp sau đó mới là các giải pháp phát triển nghệ thuật, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo những giá trị mới nhằm khắc phục tình trạng “lỗi nhịp” với thời đại, tạo môi trường trình diễn và xây dựng chiến lược phát triển khán giả trong tương lai. Giải quyết vấn đề này không dễ và đòi hỏi nhiều thời gian, tuy nhiên, dù khó và lâu dài đến mấy cũng vẫn phải làm cho bằng được.

Ths. Nguyễn Thị Bích Ngoan (Nhà hát Chèo Việt Nam):
"Một nguyên nhân khiến xã hội hóa nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn đó là thế hệ kế cận được đào tạo bài bản trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp không còn nhiều như trước, lượng sinh viên làm nghề sau khi ra trường chiếm số ít và số diễn viên trẻ thực sự có “nghề” càng ít hơn khiến chất lượng nghệ thuật ở các nhà hát cũng bị ảnh hưởng".

NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội:
"Trẻ hóa trong nghệ thuật là một sự thể bất khả kháng. Nhưng để các nghệ sĩ trẻ trước hết yêu nghề, sống chết với nghề trong tình hình hiện nay là vô cùng khó khăn. Tác động từ nhiều phía như chính sách đãi ngộ, lương có đủ sống và quan trọng là nghệ thuật có được công chúng đón nhận hay không. Mặc dù đã tích cực tìm kiếm, huy động “đầu vào” nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn nằm ở tình trạng chung “khát” học viên. Các cơ sở đào tạo không những phải chật vật tuyển sinh mà còn phải chọn lọc rất kỹ càng trong số ít ỏi những hồ sơ đăng ký thi tuyển. Có lẽ do mảng này không có bề nổi, khó nổi tiếng hơn so với dòng nhạc hiện đại...".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ khó khăn và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.