(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia được cho là trụ cột của Trung Đông lại đồng loạt xuất hiện tại thủ đô Mátxcơva (Nga) mấy ngày qua.
Trong bối cảnh sáng kiến của Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura chuẩn bị có hiệu lực (vào đầu tháng 9 tới), những động thái của Nga được nhìn nhận như nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy tìm kiếm giải pháp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở quốc gia Trung Đông này.
Nội chiến ở Syria khó có thể kết thúc khi các bên liên quan còn nhiều toan tính. |
Về cơ bản, sáng kiến được LHQ thông qua cách đây gần 2 tuần kêu gọi các bên liên quan đối thoại chính trị và thực thi Tuyên bố chung Geneva đạt được năm 2012. Theo đó, từ ngày 1-9, bốn nhóm công tác về Syria sẽ được thành lập, gồm: Các nhóm công tác về an ninh, bảo vệ dân thường; chống khủng bố; các vấn đề chính trị - tính hợp pháp và một nhóm công tác về tái thiết. Bên cạnh đó, một tiến trình chính trị cũng sẽ được khởi động hướng tới giai đoạn chuyển tiếp phù hợp với mong muốn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Syria. Mặc dù đây được coi là sự đồng thuận hiếm thấy của các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ về một tiến trình hòa bình cho Syria nhưng trên thực tế, kế hoạch nói trên vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chỉ đáp ứng được phần nào kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, bản kế hoạch vẫn chưa thể chấm dứt được bất đồng về lập trường của các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Syria. Hiện tại, có nhiều ngờ vực về cách thức triển khai giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở Syria. Đây cũng là điểm mâu thuẫn gay gắt nhất giữa Nga và Mỹ - hai cường quốc đóng vai trò quan trọng trên "bàn cờ" địa - chính trị ở Trung Đông.
Mục tiêu của Mỹ là đạt được một tiến trình chuyển giao chính trị thực sự song... không có Tổng thống Bashar Al-Assad. Theo đó, chiến lược ngắn hạn của Washington là chia tách Syria theo mô hình liên bang, với nhiều khu vực có quyền tự trị cao, không có khả năng đe dọa liên minh Mỹ - Israel tại khu vực. Ở chiều hướng ngược lại, Nga không muốn một Syria phân rã. Lý do nằm ở chỗ Mátxcơva và Damascus là những đồng minh lâu năm và một kịch bản Balkan hóa Syria được xem là sẽ đe dọa lợi ích địa - chiến lược của Mátxcơva trong khu vực. Hơn nữa, Syria với nhiều "mảnh ghép" sẽ là cơ hội để các nhóm cực đoan hình thành một "trung tâm" thánh chiến có thể phát động các kế hoạch khủng bố dọc Trung Á, để từ đó "gõ cửa" nước Nga. Vì thế, sự ra đi của Tổng thống đương nhiệm Bashar Al-Assad - như một khoảng trống quyền lực nguy hiểm - là không thể chấp nhận với Điện Kremlin.
Trong khi đó, những toan tính của Nhà Trắng trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng có thể là một rào cản trên đường tiến tới hòa bình tại Syria, nhất là khi liên minh mới Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ (láng giềng của Syria) vừa hình thành. Mặc dù Washington khẳng định các đợt không kích vào Syria của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới không nhằm vào quân đội Chính phủ Syria nhưng Tổng thống Barack Obama lại cho phép oanh tạc vào bất kỳ lực lượng nào, kể cả quân chính quy của Syria nếu các đơn vị này tấn công các lực lượng đối lập được Mỹ huấn luyện và đào tạo. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc đang thực thi kế hoạch đến cuối năm 2015 đào tạo, huấn luyện 3.000 tay súng của một nhóm vũ trang đối lập được Washington nhìn nhận là "ôn hòa" tại Syria. Vì thế, đã xuất hiện hoài nghi và e ngại trong khu vực rằng, một chiến dịch chống IS do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phát động như vậy trong thời gian tới sẽ dẫn đến kết cục cuối cùng là lật đổ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad một cách gián tiếp.
Theo dự kiến, ngày 28-8, đặc phái viên Mỹ về Syria Michael Ratney sẽ tới Nga để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Nga đang phải đối mặt với một nhiệm vụ không mấy dễ dàng. Kỳ vọng về một hội nghị "Geneva-3" để tìm ra giải pháp toàn diện cho Syria như Damacus mong đợi vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.