Với 179/350 phiếu ủng hộ tại Quốc hội vào tối 16-11, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã được bầu là người đứng đầu nội các thêm nhiệm kỳ 4 năm. Để đạt được kết quả này, nhà lãnh đạo 51 tuổi phải bỏ ra một cái giá khá đắt là thỏa hiệp với phe đòi ly khai ở vùng Catalonia - một động thái sẽ gây ra những thách thức không nhỏ đối với ông Pedro Sanchez trong thời gian tới.
Cuộc bỏ phiếu quyết định tại Quốc hội diễn ra gần 4 tháng sau cuộc bầu cử bất phân thắng bại khi đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) cầm quyền bị đảng Nhân dân (PP) dẫn trước trong gang tấc. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều không giành được đa số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Sau khi lãnh đạo đảng PP Alberto Nunez Feijoo thất bại 2 lần liên tiếp trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ, đầu tháng 10, Vua Tây Ban Nha Felipe VI đã đề nghị Thủ tướng Pedro Sanchez đứng ra đảm nhiệm việc này. Dù PSOE đã “bắt tay” với đảng Sumar, song liên minh này vẫn ở thế thiểu số trong Quốc hội với 152/350 ghế, cần phải đàm phán với 6 đảng nhỏ khác mới có thể vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Các đảng này bao gồm: ERC và Junts từ Catalonia; PNV và EH Bilu từ xứ Basque; BNG từ Galicia và Coalicion Canaria từ quần đảo Canary. Điều gây tranh cãi là để đạt được 14 phiếu ủng hộ của hai đảng ERC và Junts, Thủ tướng Pedro Sanchez đã phải chấp nhận ký một thỏa thuận ân xá đối với hàng trăm nhà hoạt động theo chủ nghĩa ly khai hàng đầu ở Catalonia vốn đang gặp rắc rối pháp lý sau cuộc trưng cầu dân ý trái phép đòi độc lập năm 2017. Vụ việc này đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ. Danh sách những nhân vật đáng chú ý có cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, người dẫn đầu phong trào ly khai, bị kết án vắng mặt 13 năm tù, đang sống lưu vong ở Bỉ.
Thỏa thuận nói trên đã làm dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình trên đường phố được đảng PP và đảng Vox đối lập hậu thuẫn. Nhiều người cáo buộc Thủ tướng Pedro Sanchez bỏ qua lợi ích của đất nước để duy trì quyền lực. Đặc biệt, các cơ quan tư pháp và hiệp hội luật sư đã lo ngại, động thái của Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ làm xói mòn tính nghiêm minh của luật pháp ở Tây Ban Nha.
Biện giải cho quyết định của mình, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, thỏa thuận ân xá sẽ giúp đất nước khép lại quá khứ và thúc đẩy sự chung sống giữa những người dân Tây Ban Nha.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng liên quan tới kế hoạch đòi độc lập tháng 10-2017 của Catalonia đã tạo thành nỗi ám ảnh đối với người dân Tây Ban Nha và đặt ra những thách thức lâu dài về mối liên kết giữa vùng lãnh thổ tự trị này với chính quyền trung ương. Chỉ trong vòng 3 tuần, hơn 1.700 doanh nghiệp đã rời bỏ Catalonia vì lo ngại bất ổn chính trị để lại những hậu quả to lớn về mặt kinh tế.
Xét trên phương diện pháp lý, cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực này là hoàn toàn sai trái vì Hiến pháp Tây Ban Nha quy định, chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một sự kiện tương tự. Để ngăn ngừa cuộc khủng hoảng tái diễn, nhiều người dân xứ sở Bò tót mong muốn các bản án dành cho những nhân vật lãnh đạo phong trào ly khai được bảo đảm nghiêm minh.
Tòa án Tối cao Tây Ban Nha vẫn đang cố gắng dẫn độ ông Carles Puigdemont về nước để xét xử tội tham ô. Một tòa án khác đã đưa ông này và một nhà lãnh đạo ly khai khác vào danh sách điều tra về khả năng khủng bố trong quá trình thúc đẩy ly khai. Do vậy, bất kỳ lệnh ân xá nào được thông qua đều có khả năng bị các đảng đối lập và một số tòa án phản đối. Điều này có thể gây ra một “vũng lầy pháp lý” quy mô lớn trong nền tư pháp Tây Ban Nha.
Ngày 17-11, Thủ tướng Pedro Sanchez đã làm lễ tuyên thệ bắt đầu nhiệm kỳ mới. Ông cam kết sẽ mở rộng một số biện pháp để giúp người dân đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Các chính sách bao gồm cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí cho những người thất nghiệp và thanh niên dưới 30 tuổi, được áp dụng từ ngày 1-1-2024.
Theo các nhà bình luận, những chính sách nói trên có thể sẽ giúp Thủ tướng Pedro Sanchez giành được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri. Song, điều này sẽ không làm giảm bớt được những nguy cơ lâu dài, đó là sự chia rẽ nội bộ và những khó khăn khi ông phải tìm kiếm sự đồng thuận của nhiều đảng phái đối với những chính sách tiếp theo trong nhiệm kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.