(HNM) - Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ của ta hiện nay tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ.
(HNM) - Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ của ta hiện nay tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ.
Kết luận phiên họp này, Thủ tướng đã nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2007 của các cấp, ngành, địa phương là phải thực hiện tốt Nghị quyết 32 của Chính phủ về trật tự an toàn giao thông, đồng loạt ra quân giảm thiểu tối đa tai nạn, triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm... Và không chỉ có trong phiên họp tháng 8 này mà hầu như các phiên họp của Chính phủ, vấn đề an toàn giao thông luôn được nhắc đến. Nỗi lo của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ cũng là nỗi lo chung của nhân dân cả nước, bởi mỗi ngày có gần 73 người chết và bị thương vì tai nạn giao thông.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông thì có nhiều, do phương tiện cũ nát, do hạ tầng bất cập, do ý thức của người tham gia giao thông quá yếu... nhưng có lẽ nguyên nhân chính dẫn đến một ngày có đến mấy chục người “một đi không trở lại” là do chế tài xử phạt vi phạm an toàn giao thông... nhẹ hều.
Ở nhiều nước, các cơ quan chức năng không cần tuyên truyền nhiều, nếu ai vi phạm cứ phạt thật nặng là xong, lần đầu thì vài trăm đô-la, lần sau thì tịch thu bằng lái xe vĩnh viễn (đối với dân thường) và đuổi việc (đối với công chức), vì nghiêm thế nên người dân tự ý thức phải tuyệt đối chấp hành luật giao thông.
Ở ta, cường độ và mật độ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành luật giao thông có lẽ là nhiều nhất thế giới, tuy nhiên số vụ tai nạn giao thông hằng năm không những không giảm mà vẫn tăng và ở ngưỡng cao nhất thế giới. Với mức phạt... nhẹ hều của ta hiện nay, nhiều người chẳng ngại ngần khi vi phạm luật và luôn tươi cười khi phải nộp phạt, bởi với nhiều người, phạt như thế đâu có nhằm nhò gì, chuyện... muỗi !
Có chuyên gia đã đánh giá, ý thức chấp hành luật giao thông của dân ta kém cỏi là do các nhà quản lý nhiều năm nay đã tiến hành một số biện pháp thiếu thực tế khách quan, thiếu tính khoa học, kém hiệu quả và lộ trình áp dụng chưa phù hợp, dẫn đến chứng “bệnh nhờn thuốc”, chứng “trẻ dạn đòn”...
Đã đến lúc chúng ta phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc, đủ sức răn đe, không thể phạt... nhẹ hều như hiện nay, để những người tham gia giao thông luôn ý thức nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng và chuyện an toàn giao thông không phải là chuyện... muỗi nữa mà là chuyện liên quan đến sinh mạng con người.
Hà Trang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.