Những năm 80 của thế kỷ trước, khi Câu lạc bộ Hàng không (CLBHK) Việt Nam do Quân chủng Không quân, nay là Quân chủng Phòng không-Không quân ( PK-KQ) tổ chức và quản lý ra đời, thu hút sự tham gia của hàng ngàn hội viên mà chủ yếu là những thanh, thiếu niên được tuyển dụng từ những CLB, tổ chức Đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội thì môn thể thao quốc phòng này mới có điều kiện được phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Trong thời gian vừa qua, hai CLB HK phía Bắc và phía Nam lần lượt hoạt động trở lại và tổ chức lễ ra mắt khá ấn tượng, các bạn trẻ lại có điều kiện tiếp cận bộ môn thể thao quốc phòng khá thú vị này.
Tố chất quan trọng là lòng dũng cảm
Đó là lời khẳng định của VĐV Phạm Thái Long- thành viênkỳ cựu của CLB Dù. Long đến với bộ môn này khi mớilà một học sinh trung học.Hơn chục năm gắn bó với CLB, “vốn liếng” trong tay anh là những giải thưởng cá nhân và đồng đội đã giành được trong những giải tổ chức tại khu vựcHà Nội. Đã trải qua hàng chục lần chuyến nhảy dù ở cả 3 loại D15U, PTL72, D5… song anh vẫn nhớ như in lần nhảy đầu tiên của mình: “Cảm giác lo sợ, hồi hộp khi đứng trên cửa chiếc máy bay AN2 ở độ cao 700m nhìn xuống những ô ruộng hun hút dưới xa. Bao nhiêu câu hỏiđặt ra lúc đó. Lo mình gấp dù có tốt không? Khi nhảy xuống có lái được về tâm không?... Khi nghe tiếng còi thầy thổi và một cú chạm nhẹ vào người ra lệnh, tôi nhắm mắt nhảy ào ra. Lo sợ qua đi, cảm giác chơi vơi giữa trời với tốc độ rơi 140- 160km/h, cảm nhận được từng sợi dây tuột dần phía sau lưng khi dù bung thật tuyệt vời. Nhưng sung sướng nhất là lúc tiếp đất đã lái dù về đúng tâm”. Với kỹ thuật tốt, anh đã được chuyển lên nhảy loại dù cao cấp hơn, và hiện nay anh đã được nhảy loại dù dứt đứt (thiết bị dù cấp cao nhất được trang bị cho vận động viên CLB Dù hiện nay).
Bên cạnh tố chất dũng cảm, muốn trở thành một VĐV dù, mỗi bạn trẻ còn phải trải qua rất nhiều lần kiểm tra về sức khỏe, về lý thuyết và kỹ thuật. Người đủ điều kiện tham gia phải là người có một trái tim khỏe mạnh, huyết áp bình thường, mắt không bị cận thị và một yếu tố mang tính đặc trưng nghề nghiệp nữa là gan bàn chân phải có độ lõm nhất định. Khi đủ sức khỏe, học viên được huấn luyện về lý thuyết và thực hành mặt đất trong vòng 5 tháng. Cán bộ chuyên ngành của Quân chủng PK- KQ giảng dạy vềkhí tượng, lực tác động, yếu tố bảo đảm an toàn, rồi tính năng từng loại dù, cách xử lý các tình huống xảy ra trên không khi dù bị xoắn, cách tiếp đất khi ngược và xuôi gió; thậm chí cả tình huống khi nhảyxuống ao, rơi vào rừng hay mái nhà…
Bên cạnh việc học lý thuyết, khâu thực hành cũng được huấn luyện và kiểm tra khá nghiêm ngặt, bởiđây là những công đoạn gắn liền với sự an toàn của VĐV khi nhảy dù thực sự. Trước hết, học viên phải học cách gấp dù, công việc này đòi hỏi rất nhiều tính tỷ mỷ, cẩn thận. Sau đó là luyện cách nhảy từ một chiếc bục gỗ có độ cao 1- 1,5m xuống sàn. Trong quá trình tập, giáo viên sẽ quan sát kỹ động tác và quyết định xem học viên có đủ điều kiện nhảy dù không.
Môn thể thao mạo hiểm này không chỉthu hút các nam thanh niên mà với nữ giới cũng có sức quyến rũ đặc biệt. Trong giới vẫn nhắc nhiều đến những cái tên như Phạm Thanh Hà, Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Thanh Hương… bởi họ là những vận động viên có kỹ thuật tốt và rất ham mê bộ môn thể thao khá mạo hiểm này.
Mở rộng sân chơi- tiến tới xã hội hóa:
Gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ của CLBHK Phía Bắc, chúng tôi được biết môn thể thao nhảy dù được phổ biến rộng rãi trong xã hội từ những năm 80 thế kỷ trước. Đây là một bộ môn nằm trong hệ thống các lớp của CLBHK (Nhảy dù, Máy bay mô hình và Bay máy bay siêu nhẹ).
Trong gần 20 năm tồn tại và phát triển, CLBHK đã kết hợp với Cung Thể thao thanh niên, Cung Thiếu nhi, Cung Hữu nghị, Đại học Bách khoa, Thành Đoàn Hà Nội… để tuyển sinh và huấn luyện VĐV. Từ đó tới nay, CLB đã tuyển sinh và huấn luyện được 15 khóa học nhảy dù với hàng vạn hội viên, tổ chức hàng chục giải đấu và những đợt nhảy dù chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước.
ở các nước trên thế giới, nhảy dù được coi là thú chơi của các ‘’đại gia’’ bởi giá của mỗi một lần/chuyến là 80USD. Nhưng ở Việt Nam thì chi phí cho một khóa học cũng rất “mềm”; trên thực tế đó chỉ là khoản học phí “thu cho vui” bởi hầu hết chi phí đã được Bộ Quốc phòng bảo trợ.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hoạt động của CLB Dù và những bộ môn khác của CLB hoạt động rất mạnh. Song những hoạt động này đã chững lại vào năm 1999 khi hai quân chủng PK và KQ hợp nhất thì biên chế hoạt động của CLB khôngcòn; nhưng các hoạt động của CLBHK vẫn được duy trì dưới sự bảo trợ của Ban Giáo dục quốc phòng (Bộ Tham mưu PK- KQ).
Nhận thấy sự cấp thiết của việc tiếp tục duy trì CLBHK khi nhu cầu của xã hội ngày càng cao và để hòa nhập với xu thế phát triển tất yếu của xã hội, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định tái thành lập CLBHK phía Bắc và phía Nam với số vốn đầu tư khá lớn. Hiện tại, CLB phía Bắc đã đi vào hoạt động và chuẩn bị chiêu sinh những đợt huấn luyện dù dành cho những bạn trẻ ham thích bộ môn thể thao mạo hiểm này.
Bích Phượng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.