(HNM) - Khiêu vũ (nhảy đầm, dancing) là văn hóa châu Âu theo chân binh lính Pháp sang Việt Nam. Hơn 30 năm kể từ khi người Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội năm 1883, khiêu vũ mới có chỗ đứng ở mảnh đất này. Khiêu vũ ở Hà Nội cũng thăng trầm song cho đến nay, đây là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của không ít người...
Phố nhảy đầm Khâm Thiên
Năm 1884, Tòa Lãnh sự Pháp được khánh thành ở khu nhượng địa Đồn Thủy (nay là 33 Phạm Ngũ Lão) gồm nhiều tòa nhà lớn nhất vào thời điểm đó tại Hà Nội. Tòa nhà này không chỉ là nơi làm việc mà còn là địa điểm diễn ra vũ hội vào những ngày cuối tuần cho đám sĩ quan cùng vợ con họ, các viên chức và một số ít dân di cư từ Pháp sang. Khiêu vũ diễn ra đều đặn dịp cuối tuần phần vì đó là văn hóa của người Pháp, phần khác ở xứ thuộc địa không trò giải trí nào phù hợp. Chơi nhạc cho các đêm vũ hội là đội kèn đồng của Tiểu đoàn Khinh binh số 2 và họ thường chơi các bản valse hay polka.
Khiêu vũ ngày nay đã trở thành một sinh hoạt văn hóa được mọi lứa tuổi yêu thích. Ảnh: Bảo Lâm |
Người Hà Nội đến với khiêu vũ muộn hơn, dù trước đó, vào đầu thế kỷ XX, khách sạn Metropole (phố Ngô Quyền), Coq d'or (Gà Vàng - phố Tràng Tiền), Grand (Lê Thái Tổ)... đã mở khiêu vũ vào tối thứ bảy. Năm 1930, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Diệp từng học ở Trường Viễn Đông Nhạc viện (mở năm 1927, đóng cửa năm 1930 vì không có kinh phí) đã đi đánh đàn cho Tây khiêu vũ tại nhiều khách sạn tại Hà Nội. Từ "nhảy đầm" ra đời trong thời gian này vì khiêu vũ bao giờ cũng có các bà đầm (dame). Và chỉ đến khi xuất hiện phong trào "vui vẻ trẻ trung", khiêu vũ mới được những trí thức cấp tiến, thanh niên du học về tổ chức tại tư gia. Nhu cầu muốn khiêu vũ tại quán bar khi khách đã "lâng lâng" vì rượu xuất hiện và phòng nhảy đầu tiên ra đời ở phố Khâm Thiên vào năm 1936.
Tại sao nhà hát khiêu vũ lại ở phố Khâm Thiên mà không phải các phố khác ở khu trung tâm? Có lẽ do Khâm Thiên vốn là phố ăn chơi nổi tiếng với gần 40 nhà hát cô đầu và hơn 200 cô đầu, những người vì nhiều lý do không bị ràng buộc bởi hủ tục. Nhiều nhà văn, nhà báo nổi danh thời đó như Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Thâm Tâm, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng... thường xuyên đến đây để hát, uống rượu. Cho đến hôm nay, không ít người vẫn nghĩ cô đầu không chỉ hát mà sẵn sàng "đi" với khách. Sự thực không phải như vậy, các cô chỉ tiếp chuyện, lả lơi, càng khéo càng được khách cho nhiều tiền, còn "đi" khách là ở nhà săm (nhà cho thuê theo giờ). Nhà văn Vũ Bằng viết: "Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Ngô Tất Tố lúc làm cho các báo Việt nữ, Công Dân, Vịt Đực mỗi khi bàn về số báo ra kỳ tới vẫn thường hội ý và kẻ ma két ở nhà hát vào đêm khuya trong lúc im ắng tiếng đàn giọng ca". Sau này Văn Cao gọi chốn Khâm Thiên là phường Dạ lạc.
Nhà hát cô đầu có phòng khiêu vũ đầu tiên là của Cô Đốc Sao (số nhà 96). Ai hát cô đầu, ai uống rượu có cô đầu phục vụ, ai thích nhảy đầm sang phòng riêng có vũ nữ làm bạn nhảy. Váy áo của các cô do sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chưa có việc làm thiết kế. Khách khiêu vũ mời ai thì sẽ "boa" cho vũ nữ ấy khi hết điệu. Ban đầu chỉ có khách Pháp và một số ít người Việt biết môn nghệ thuật này. Do mới mẻ nên phòng nhảy không có nhạc sống. Người có công lớn nhất trong việc ra đời phòng khiêu vũ Cô Đốc Sao là nhà báo Hoàng Tích Chu, chủ của tờ Đông Tây và là người tình của Đốc Sao. Anh này học ở Pháp về, có tâm hồn lãng mạn "hơn cả những người hoạt động nghệ thuật thời đó cộng lại". Hoàng Tích Chu đã huấn luyện các cô đầu hiếu động trở thành vũ nữ.
Cô Đốc sinh năm 1890, quê ở Hưng Yên, Đốc có thân hình phốp pháp, da trắng, đôi mắt biết nói và đặc biệt khuôn mặt phồn thực. Một tờ báo thời đó mô tả "nhìn mặt Đốc Sao người ta không thể nghĩ những điều tốt đẹp hơn". Vì lấy bác sỹ người Hoa tên là Lầu Màn Sầu (Lưu Nam Sao) nên cô có tên là Đốc Sao. Trước khi mở khiêu vũ, Đốc Sao là chủ nhà hát cô đầu nổi tiếng nhất phố Khâm Thiên. Khách vào đây hầu hết là kẻ có chức sắc trong chính quyền hay đám có thế lực trong xã hội, kẻ có tiền vào đây để khỏi mang tiếng là không biết ăn biết chơi. Đốc Sao tuyển chọn các gái ở quê tuổi từ 16-17 có khuôn mặt xinh xẻo, vóc dáng đẹp rồi cho học tí ca, tí phách, dạy ít tiếng Pháp bồi, dạy tiếp khách và lấy lòng khách. Cô đầu nhà Đốc Sao đi ra ngoài có xe tay riêng, phần vì sợ các cô trốn, phần là làm sang.
Nhà hát cô đầu và khiêu vũ Cô Đốc Sao ra đời làm nổ ra bút chiến trong báo giới Hà thành. Một phe cho rằng khiêu vũ là đồi phong, bại tục, là công khai "dâm đứng". Có tờ còn nói thẳng "khiêu vũ làm cho dân ta quên đi mình đang là kiếp nô lệ". Phe cổ xúy lại biện minh, khiêu vũ là thiền ở dạng động, bởi khi khiêu vũ cũng giống như thiền, người ta không nghĩ đến bất cứ chuyện gì, chỉ có xoay, quay tay chân như lên đồng. Lại có tờ báo ngợi ca khiêu vũ còn là một dạng luyện tập nhu quyền hấp dẫn hơn cả môn võ Vịnh Xuân hay Thái Cực, "vào những thời điểm tuyệt vời, khiêu vũ còn có thể đưa người ta vào những khoảnh khắc nhập đồng siêu thoát và như thấy mình gần hơn với thần tiên". Song dù biện minh hay lên án thì việc khiêu vũ ra đời là đòn giáng vào quan niệm "Nam nữ thụ thụ bất thân" của Nho giáo vốn dĩ cắm rễ hàng trăm, hàng nghìn năm trên đất An Nam thuở đó.
Trong bài viết "Le pérlil vénérien à Hà Nội" của Đốc lý Hà Nội Virgitti đăng trên tờ báo Pháp năm 1938, thì năm 1936 là năm bùng nổ và chỉ từ năm 1936 đến 1938, phố Khâm Thiên có 6 sàn nhảy gồm: Casino (hí trường), Etoile (Minh tinh), Féeric (Cảnh tiên), Déesse (Nữ thần), Pagode (Cảnh chùa) và Tanaka do một người Nhật làm chủ gần chùa Linh Ứng với khoảng hai chục gái nhảy. Đông nhất là Pagode và sàn này trang trí gần như cảnh chùa. Khâm Thiên có hai nhà chuyên dạy nhảy và nếu Hoàng Tích Chu dù sao cũng chỉ là người hướng dẫn thì người được "phong" là vũ sư đầu tiên là Đỗ Đình Khang; anh này từng du học ở Pháp, đam mê khiêu vũ và vừa lúc phòng nhảy Đốc Sao ra đời, Khang nhanh chóng mở lớp. Để thu hút học viên, Khang lấy tên rất Mỹ: Jean Dod K. Thời kỳ tạm chiếm (1946-1954), đầu phố Bà Triệu có tiệm khiêu vũ Liszt (nay là Công ty Du lịch Hà Nội). Sàn này có một vị khách đặc biệt, mỗi khi cô đến mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía cô vì không chỉ đẹp, cô nhảy rất lả lơi và "nóng bỏng". Song cô được chú ý bởi cô là người tình của vua Bảo Đại. Đó là Lý Lệ Hà. Lý Lệ Hà quen biết ông vua nổi tiếng ăn chơi này ở Sài Gòn rồi sống với với nhau một thời gian ở Hà Nội. Lý Lệ Hà từng sang Hồng Công chung sống với Bảo Đại khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã xóa bỏ chế độ quân chủ. Đến Liszt, Lý Lệ Hà thường nhảy với một thanh niên tên là Hạnh. Hạnh là thợ may có tiếng ở số 10 phố Hàng Bông, mê nhảy đến mức 30 tuổi vẫn không lấy vợ. Ông Nguyễn Bắc (Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội (từ 1954-1979), người hoạt động bí mật ở Hà Nội và là người chắp nối liên lạc giữa các trí thức với chiến khu là bạn của Hạnh kể, có lần đang nhảy điệu valse với Hà, có hai mật thám đến, ghé vào tai Hạnh bảo: "Tiên sư mày, muốn yên thân thì dừng ngay để bọn tao đưa cô lên hầu cụ (Bảo Đại)". Khi bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, Hạnh bảo Nguyễn Bắc: "Chắc là Hà Nội không còn sàn nhảy và cô đầu nên tôi phải đi". Và năm sau, Hạnh xuống Hải Phòng di cư vào Nam. Năm 1952, ban ngày Thủy Tạ là quán bar nhưng tối trở thành nơi khiêu vũ. Nếu các tiệm khác đa phần là ban nhạc người Philippines hay người Nga trắng thì chơi nhạc tại Thủy Tạ là ban nhạc Lúa Vàng, có khi là nhóm của Hoàng Trọng. Trong một đêm các vũ điệu đang sôi động thì có vụ nổ xảy ra làm bị thương một lính Pháp. Người ta chỉ biết gây ra vụ nổ là em bé bán thuốc lá, thuốc nổ và kíp nhồi vào điếu thuốc Craven.
Trừ các tiệm ở Khâm Thiên có vũ nữ, còn lại những tiệm khác trong thành phố mở ra dành cho những người yêu bộ môn nghệ thuật này và hầu hết khách là người lịch lãm. Các điệu nhảy phổ biến trong giai đoạn đầu của khiêu vũ gồm: Valse (tiếng Anh là Waltz), Tango, Rumba và Chachacha...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.