Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhảy đầm - Lợi gì, hại gì?

ANHTHU| 29/07/2005 08:36

Theo bạn ra sàn nhảy, chị bỗng tìm được niềm vui nho nhỏ trong bộ váy áo mà cả một đời con gái vẫn hằng mơ ước. Chị tìm cách che bớt các nếp nhăn bằng một chút phấn son. Chẳng bao lâu sau, chị đã như một con người khác, yêu đời, biết cười nói, biết trò chuyện duyên dáng hơn...

Khiêu vũ quốc tế mà tiếng Anh gọi là ballroom, international dance, hoặc dancesport. Nó là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, vừa là lễ hội vừa là nghệ thuật, vừa mang tính ngẫu hứng sáng tạo, giải trí giao lưu, lại vừa là thể thao dưỡng sinh.

Hồi xuân nhờ khiêu vũ

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây khiêu vũ quốc tế đã bắt đầu phát triển, âm thầm nhưng bền bỉ trong một số thành phố lớn dưới cái tên nôm na là “nhảy đầm” hay khiêu vũ cổ điển. Nói như vậy để phân biệt với các loại sàn nhảy disco, techno của giới trẻ, thường gọi là vũ trường hay bar dancing là những nơi mà thanh niên đến để tìm cảm giác mạnh, quăng quật hết cỡ trên nền nhạc điện tử đinh tai nhức óc. Trong bài này chỉ nói về các câu lạc bộ khiêu vũ quốc tế với các điệu nhảy đôi được quy định trong danh mục thi thể thao Olympic sắp tới mà thôi.

Riêng ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có đến mấy chục câu lạc bộ khiêu vũ quốc tế, đều đặn mở cửa ngày ba buổi sáng-chiều-tối. Nơi nào cũng đông kín, tới mức không còn chỗ cho những ai chậm chân mỗi khi một bản nhạc mới cất lên.

Đôi khi người ta nghe đồn những câu chuyện lạ tai về một ai đó mê nhảy đầm. Những scandal nghe lỏm trong sàn nhảy được thêm mắm thêm muối đưa ra mặt báo. Thế là người ta ngày càng nghĩ xấu về nhảy đầm. Nhưng thực ra khiêu vũ quốc tế cũng mang lại những lợi ích nhất định cho những người mê nhảy và góp phần xây dựng thái độ văn hóa, quan niệm đạo đức mới của một xã hội đang chuyển mình từng giây từng phút của chúng ta.

Thí dụ như trong giao thông, càng nhiều người ngược xuôi đi lại thì đất nước càng phát triển, càng văn minh và thịnh vượng. Thế nhưng giao thông nhiều thì tai nạn cũng tăng lên. Tai nạn là một phần tất yếu của giao thông. Cũng như scandal là những yếu tố tất yếu tiềm ẩn bên trong mỗi cuộc nhảy đầm. Tai nạn càng nhiều người ta càng phải tìm cách đi lại sao cho an toàn, đặt thêm luật lệ và học cách tự bảo vệ mình. Vì thế xin các bạn đừng quá sợ hãi khi xem các bài viết về các tiêu cực trên sàn nhảy và cũng đừng vì thế mà đâm ra đố kỵ và xem thường những người ham nhảy

Một đứa bé cầm tiền ra chợ lúc đầu rất dễ bị mất cắp, bị mẹ mìn lừa gạt. Nếu không cho nó ra chợ thì mãi mãi nó là một đứa khù khờ, nhưng nếu để nó tự tin đi giữa muôn người trong chợ, nó sẽ biết cách phòng tránh những mất mát lớn sau này khi phải ra đời tự lập. Một thiếu nữ đã từng đi nhảy nhiều nhiều, mỗi buổi gặp và nhảy với ba bốn người đàn ông xa lạ thì sẽ vững vàng trước những lời sàm sỡ, những trò lừa mị của Sở Khanh ngoài đời. Hơn hẳn một cô con gái cưng suốt ngày rúc sau lưng mẹ.

Bây giờ, những đôi từ bạn nhảy chuyển sang bạn tình làm tan vỡ gia đình thì bị coi là “ngố” thậm chí là “ngu lâu”. Nhảy là nhảy, như đánh cầu lông, như rủ nhau chơi bóng bàn chứ không lầm lẫn mà bỏ cả gia đình hạnh phúc.

Trước kia vào sàn nhảy, việc "buôn dưa lê" về đời tư của người khác là "một phần tất yếu của cuộc sống". Giờ mọi người nhận ra rằng nếu muốn được tự do thì trước hết phải biết tôn trọng tự do của người khác. Cuối cùng những "nhà buôn" chuyên nghiệp này cũng thấy vô duyên, họ đã phải tự điều chỉnh cách sống. Vô hình trung, văn minh xã hội trong sàn nhảy được nâng lên một chút.

Trước kia người ta thường thấy cảnh một người đàn ông nào đó quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù xăm xăm ra mời rồi kéo tay năn nỉ một người nữ nào đó, nhiều khi lại còn lầu bầu bực tức khi bị từ chối. Bây giờ ra sàn không một ai lại lố bịch và kém lịch sự như vậy nữa. Từ một người không được chỉ bảo chu đáo về những phép xã giao giao tiếp thông thường, từ một người vốn cả đời coi việc ăn mặc luộm thuộm là bình thường, họ đã trở thành một người biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình bằng một việc rất đơn giản là áo quần tề chỉnh sạch sẽ, và biết mình cần giới hạn hành vi thế nào ở chỗ công cộng.

Tôi biết một phụ nữ cả đời vất vả vì chồng con, vì miếng cơm manh áo. Khi nghỉ hưu, chị  ngồi rũ mình trong  nhà với bộ mặt đầy nát những vết chân chim và đủ loại bệnh tiềm ẩn trong người. Thế rồi chị theo bạn ra sàn nhảy. Chị bỗng tìm được niềm vui nho nhỏ trong bộ váy áo mà cả một đời con gái vẫn hằng mơ ước. Chị tìm cách che bớt các nếp nhăn bằng một chút phấn son.

Cả một đời nghèo khó, chị đâu có đủ tinh tế để chọn được bộ váy thật sang, đâu có đủ kinh nghiệm để thoa được lớp phấn mà không hết vụng về. Thế nhưng chị vẫn cố một tuần thu xếp đôi ba buổi đi nhảy. Chẳng bao lâu sau, chị đã như một con người khác, yêu đời, biết cười nói, biết trò chuyện duyên dáng hơn. Đặc biệt chị đỡ hẳn các cơn đau khớp, hạ được huyết áp và giảm béo được mấy cân.

"Đụng chạm" chỉ là điểm tựa

Không phải vô cớ mà cả thế giới người ta gọi nhảy đầm là dancesport. Tôi chắc rằng nếu đi nhảy đều đặn trong vòng ba tháng, đang béo bạn sẽ thon thả hơn, đang gầy sẽ thấy có da có thịt và nhiều bệnh kinh niên sẽ dần dần thuyên giảm. Khi khiêu vũ, bạn được đắm mình trong các bản nhạc sống mãi với thời gian, được sống trong không khí hội hè, nơi tất cả mọi người đến đó để hân hoan vui sướng. Hơn cả thể dục nhịp điệu, các động tác, các bước nhảy của bạn vừa là các bài tập toàn thân vừa là sự sáng tạo, sự thể hiện ngẫu hứng dưới tác động của âm nhạc, trong sự kết hợp ăn ý với người bạn nhảy của mình.

Với những người hiểu biết và đủ thành thạo, khiêu vũ là một thực hành Thiền ở dạng động, khi mà ta có thể buông thả mọi lo âu căng thẳng về tinh thần, mọi co thắt rối loạn về cơ bắp. Ở mức cao, khiêu vũ còn là một dạng luyện tập nhu quyền có lẽ còn hấp dẫn hơn cả Vịnh Xuân hay Thái Cực quyền. Vào những thời điểm tuyệt vời, khiêu vũ còn có thể đưa người ta vào những khoảnh khắc nhập đồng siêu thoát và như thấy mình gần hơn với thần tiên.

Nhảy giỏi, nhảy đẹp và sang trọng luôn là một tiêu chuẩn bắt buộc, một niềm tự hào kiêu hãnh của những người quý tộc châu Âu. Những nét tinh tế cả về văn hóa và tâm hồn của môn nghệ thuật đầy hấp dẫn này đã được đại văn hào Nga là Lev Tolstoi dành trọn trái tim mình để mô tả trong các trang sách của tập tiểu thuyết đồ sộ "Chiến tranh và Hòa bình". Còn với những người da màu Mỹ Latin có tâm hồn bốc lửa thì khiêu vũ có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc. Vì thế, trong con mắt của những người La Mã - Hy Lạp cổ đại, Thiên Đàng là nơi mà con người và Thiên Thần suốt ngày khiêu vũ hát ca.

Người mình vẫn mang những tư tưởng chật hẹp, cho nên khi thấy người đàn ông nắm tay hoặc ôm eo một người phụ nữ thì liền nảy ngay ra ý nghĩ tưởng tượng về dục vọng xấu xa. Thế nhưng ai đã từng đi nhảy vài lần đều nhận thấy rằng khi khiêu vũ họ không nghĩ gì đến việc đụng chạm da thịt, mà chỉ coi đấy là điểm tựa để đưa hoặc để bước theo trong các vũ điệu mà thôi.

Từ xưa đến nay, nhảy đầm vốn làm cả thế giới ta mê say, còn bây giờ cái say ấy đang bắt đầu ngấm vào Việt Nam. Tuy nhiên sẽ còn cả một chặng đường dài để cho đến khi khiêu vũ trở thành một nếp sống, một sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Và, sẽ còn nhiều thăng trầm cho đến khi một nền tảng văn hóa khiêu vũ được dần dần hình thành qua trải nghiệm để rồi có thể định hình trong xã hội chúng ta. Và cũng không có gì lạ, là cùng với hàng ngàn người đi nhảy mỗi ngày, luôn sẽ có trong đó những kẻ lạm dụng, những Sở Khanh, những Hoạn Thư, những kẻ la cà rách việc và cả những va vấp nhiều khi đau đớn... Người mê nhảy buộc phải tập cách sống chung và phải có đủ bản lĩnh, có đủ văn hóa để miễn dịch và tự bảo vệ mình.

Theo VNN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhảy đầm - Lợi gì, hại gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.