(HNM) - Bộ Tư pháp đã họp thẩm định đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Theo đó, cơ quan này nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Do phạm vi sửa đổi có nhiều nội dung trọng yếu, phức tạp, bao quát hầu hết các điều luật của Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đối với đề xuất xây dựng dự án luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trước đó, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Qua hơn 8 năm thi hành, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong công tác phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa theo kịp sự phát triển trong hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế; không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức, đồng thời việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro giữa các bộ, ngành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.