(HNMO) - Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách 2013 và dự toán ngân sách cũng như phương án phân bổ ngân sách nhà nước năm 2014, các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về tình hình kết quả thực hiện dự toán ngân sách 2013. Đa số ý kiến đồng tình với việc nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% cho GDP để giải quyết cân đối ngân sách nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích những nguyên nhân tích cực, tiêu cực của tình hình cân đối ngân sách nhà nước và đề nghị phân tích thêm nguyên nhân hụt thu, trong đó nhấn mạnh đến nguyên nhân lớn nhất là do công tác quản lý điều hành thu, để có giải pháp cho năm 2014 và những năm tiếp theo. Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, dư địa thu ngân sách vẫn còn, cần tiếp tục rà soát các nguồn thu, đôn đốc thu nợ đọng, chống thất thu, chống gian lận thuế, gian lận hoàn thuế, chống chuyển giá để giảm số hụt thu của năm 2013.
Về chấp hành kỷ luận chi ngân sách nhà nước, các đại biểu đánh giá, công tác này chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, hụt thu lớn, bội chi tăng nhưng chi đầu tư phát triển cũng chưa khắc phục được triệt để tính dàn trải, lãng phí; trong chi tiêu công vẫn còn nhiều khoản chi hành chính, hội họp, khánh tiết....; bộ máy công chức còn cồng kềnh, kém hiệu quả. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách nhà nước, cân nhắc việc ban hành chính sách mới làm phát sinh chi ngân sách trong khi không cân đối được, rút kinh nghiệm đối với một chính sách liên quan đến người dân đã ban hành vừa qua nhưng không có tiền chi.
Về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, các đại biểu tán thành việc tiếp tục giữ mức bội chi ngân sách là 5,3% và các quan điểm yêu cầu nguyên tắc xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2014. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát, đánh giá sát hơn nguồn và khả năng thu, mức huy động vào ngân sách nhà nước từ tổng thu nhập quốc dân cho phù hợp. Đồng thời, có biện pháp khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng của năm 2013 để thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Về chi, Chính phủ cần thắt chặt hơn nữa tất cả các khoản chi, nhiệm vụ chi từng mục tiêu, đối tượng chi ngân sách, bố trí cơ cấu chi phù hợp với tình hình đất nước, đảm bảo mục tiêu tổng quát, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2014; Phân bổ vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các địa phương nghèo và tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn về tình hình an toàn nợ công, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn thế nào là nợ trong giới hạn an toàn? Theo các đại biểu, Chính phủ cần đổi mới thể chế phân bổ ngân sách nhà nước, không tăng thêm bộ máy biên chế, có giải pháp huy động vốn ngân sách từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để có vốn đầu tư phát triển. Việc chi ngân sách nhà nước vừa phải đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt, vừa phải gắn với các đột phá về chiến lược, nhất là đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực của đất nước về lâu dài.
Về sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu tán thành với đánh giá của Chính phủ và Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho rằng các chương trình mục tiêu quốc gia là một chủ trương đúng đắn, đã có những tác động tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở nông thôn, ở miền núi, ở vùng sâu, vùng xa... Các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại, phân tích thêm những hạn chế đã nêu trong Báo cáo như các chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự bền vững, tính lồng ghép chi sự nghiệp còn cao, nội dung các mục tiêu trùng lặp và trùng với nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, kinh phí bố trí dàn trải, nhiều bộ, ngành quản lý, chỉ đạo, nhiều địa phương chưa thực sự là chủ thể đầu mối của tất cả chương trình mục tiêu trên địa phương của mình.
Về định hướng cho 2 năm còn lại, các đại biểu tán thành việc giữ nguyên 16 chương trình nhưng thu hẹp lại mục tiêu để tập trung vốn cho các mục tiêu quan trọng như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời, giảm chi sự nghiệp, chuyển dần vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, đổi mới cơ chế phân bổ vốn, chương trình mục tiêu hợp lý hơn.
Về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung cho giai đoạn 2014 - 2016, các đại biểu tán thành chủ trương phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ với tổng mức 170 nghìn tỷ đồng để đầu tư nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, bố trí vốn đối ứng cho ODA, bổ sung thêm nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, bổ sung vốn cho những công trình trong danh mục đang xây dựng dở dang và có tính chất cấp bách, quan trọng để hoàn thành trong 3 năm tới của ngành giao thông thủy lợi, y tế. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, Chính phủ phải bảo đảm các tiêu chí, nguyên tắc trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, phân bổ hợp lý công bằng giữa các vùng, miền, khu vực, ưu tiên cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có công trình thực sự cấp bách, cần thiết. Các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án, yêu cầu có cam kết bảo đảm tiến độ thực hiện và chất lượng dự án, không làm tăng quy mô điều chỉnh kỹ thuật, dẫn tới làm tăng mức đầu tư của từng dự án. Đồng thời, không khởi công xây dựng những dự án mới, không bố trí vốn cho các công trình, dự án đã giãn, hoãn, dừng tiến độ đầu tư.
Riêng đối với dự án luồng Sông Hậu, tuy cũng còn một số ý kiến đề nghị cân nhắc về hiệu quả đầu tư, về tác động môi trường và giải trình thêm về việc tăng tổng mức đầu tư nhưng các ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường đa số đồng tình với chủ trương của Chính phủ và của cơ quan thẩm tra. Bộ giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch, đầu tư và các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và cả các địa phương ngoài khu vực này đều đồng ý tiếp tục đầu tư cho dự án luồng sông Hậu.
Cũng trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.